Sắp xếp bộ máy tại Hà Tĩnh: Nghị quyết soi đường, tập trung hành động
- Thứ sáu - 12/10/2018 23:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo tinh thần Nghị quyết số 18 và 19, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện với một khối lượng rất lớn, tác động từ khối Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức hội, các đơn vị sự nghiệp. Cùng với việc đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND (huyện Đức Thọ), Hà Tĩnh đã sớm thực hiện chức danh kiêm nhiệm: trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Đến thời điểm hiện tại đã có 9 đơn vị cơ cấu chức danh kiêm nhiệm gồm: Thạch Hà, Hương Sơn, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Hương Khê, Nghi Xuân, Đức Thọ, TX Kỳ Anh. Riêng huyện Vũ Quang cơ cấu phó ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho hay: “Để tiến tới sáp nhập một số đơn vị, tháng 5/2018, huyện đã chuyển trụ sở làm việc của Đài TT-TH huyện về Trung tâm Văn hóa Thể thao và không bổ nhiệm chức vụ giám đốc trung tâm văn hóa dầu bị khuyết khá lâu rồi. Đầu năm học này, 8 trường học cũng đã sáp nhập thành 4 trường, tạo một bước quan trọng để tiến tới sáp nhập xã”.
Dự kiến, trước tháng 6/2019, Can Lộc sẽ hoàn thành sáp nhập xã Song Lộc với xã Trường Lộc; Khánh Lộc với xã Vĩnh Lộc.
Chuyển động tại Can Lộc cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh đã cho thấy quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, địa phương. Tại huyện Kỳ Anh, theo Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Anh Hoan, huyện đã xây dưng phương án năm 2019 dự kiến sắp xếp, sáp nhập đối với 7 xã để giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã là xã Kỳ Hợp, Kỳ Trung bằng cách điều chỉnh địa giới hành chính liên quan đến các xã giáp ranh. Năm 2020, sắp xếp lại xã Kỳ Châu, Kỳ Hải. Cùng với bộ máy, huyện Kỳ Anh cũng xác định sẽ thực hiện giảm 10% tổng số biên chế cán bộ, công chức cấp xã. Cùng với sáp nhập xã, huyện Kỳ Anh cũng đã rà soát quy mô thôn, theo đó, 35 thôn trên toàn huyện tiếp tục được đưa ra phương án sáp nhập. Về câu chuyện sáp nhập xã, hiện tại, Đức Thọ là huyện đưa ra phương án sáp nhập nhiều xã trong nhiệm kỳ này, vì nhiều xã diện tích nhỏ, dân số ít, chẳng hạn như: Đức Vĩnh có diện tích 3,82 km2, dân số hơn 1.230 người; Đức Quang diện tích 5,44 km2, dân số hơn 1.930 người; Đức Tùng có diện tích 4,79 km2, dân số hơn 1.850 người; Đức Châu diện tích 4,81 km2, dân số hơn 1.780 người. Tuy nhiên, các phương án vẫn phải tiếp tục chờ ý kiến của các ban, ngành cấp tỉnh, BTV Tỉnh ủy.
Theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, các huyện, thành, thị ủy chỉ đạo việc sáp nhập đối với những xã không đảm bảo 50% cả 2 tiêu chí diện tích và dân số; hoàn thành trước năm 2020. Hiện tại, toàn tỉnh có 66 xã thuộc diện này, trong đó, 57 xã đã có phương án sáp nhập.
Hợp nhất các tổ chức; kiện toàn đơn vị sự nghiệp
Thông tin từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho hay, hiện tại, các cấp, ngành đã bàn bạc các phương án sáp nhập như: Hợp nhất Đảng bộ khối Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh; chuyển 2 Đảng bộ là Trường Đại học Hà Tĩnh, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh về trực thuộc đảng bộ khối sau sáp nhập; một số ban Đảng Tỉnh ủy cũng đã bàn bạc hướng cơ cấu lại các phòng chuyên môn. Phía chính quyền, việc hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh thành một văn phòng cũng đã được bàn bạc, tính toán.
Đối với cấp huyện, phương án hợp nhất ban dân vận và ban tuyên giáo; nhất thể hóa trưởng ban dân vận đồng thời chủ tịch ủy ban MTTQ; thí điểm văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND huyện tại 4 đơn vị... đã bước đầu được đưa ra thảo luận.
Về lĩnh vực GD&ĐT, theo thông tin từ Sở Nội vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, sẽ giảm 72 trường học công lập; 1.358 biên chế quản lý hành chính, giáo viên dôi dư. Đối với lĩnh vực y tế, thực hiện Nghị quyết số 94/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về một số chính sách thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngành Y tế Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, dự kiến giảm 6 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 24 đơn vị y tế tuyến huyện; phấn đấu đến năm 2025, khả năng tự chủ kinh phí chi thường xuyên trên 50%.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Tổ chức, biên chế và tổ chức phi Chính phủ (Sở Nội vụ Hà Tĩnh) cho hay: “Bên cạnh các lĩnh vực giáo dục, y tế, tỉnh cũng đã bàn bạc đưa ra các phương án sáp nhập, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp như: Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; VH-TT&DL; NN&PTNT; công nghệ thông tin; văn thư – lưu trữ; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh... Các tổ chức hội tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp theo tinh thần Thông báo số 677-TB/TU ngày 20/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cấp tỉnh và cấp huyện, phương án hợp nhất 3 tổ chức hội: Người mù, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành 1 tổ chức hội; cấp xã, hợp nhất 4 tổ chức hội: Chữ thập đỏ, người mù, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành 1 tổ chức hội”.
Về vấn đề sáp nhập, kiện toàn bộ máy, ông Trần Huy Liệu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ mong rằng: Sau khi sắp xếp bộ máy, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức sẽ có sự cải thiện, bởi đầu mối giảm, khối lượng công việc tăng, các ngành trung ương cần bàn bạc để đưa ra phương án tính lương hợp lý theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về chính sách cải cách tiền lương.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trao đổi: ”Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy được Hà Tĩnh tập trung trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, đã đạt các kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế bộ máy vẫn cồng kềnh, tầng nấc, bởi vậy, phải tiếp tục kiện toàn, sắp xếp theo tinh thần các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng. Mục tiêu cốt lõi của việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế là để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH, đặc biệt là gắn bó sâu sát với nhân dân”.