Sẽ kiện chống bán phá giá gà Mỹ?

Sẽ kiện chống bán phá giá gà Mỹ?
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) ngày 13/8 làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ.
 
Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang điêu đứng vì đùi gà Mỹ nhập khẩu giá rẻ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang điêu đứng vì đùi gà Mỹ nhập khẩu giá rẻ. Ảnh: Hồng Vĩnh

 

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, năm 2013, thịt gà Mỹ về tới Việt Nam có giá bán khoảng 27.000 - 28.000 đồng/kg, nhưng 6 tháng đầu năm 2015, giá gà Mỹ nhập về Việt Nam chỉ còn 17.000- 20.000 đồng/kg. 

Theo tính toán của các chủ trang trại, nếu thịt gà Mỹ nhập khẩu về tới Việt Nam giá 20.000 đồng/kg thì tương đương 15.200 đồng/kg gà sống (gà hơi). Trừ đi chi phí cấp đông, phân phối, vận chuyển, thuế…, giá gà hơi chỉ chưa đến 10.000 đồng/kg. 

Trong khi giá thức ăn cho gà ở Mỹ và Việt Nam chênh lệch không nhiều, mà giá gà hơi ở Việt Nam đắt hơn ở Mỹ tới 15.000 đồng/kg là quá vô lý.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nói rằng, “Hiệp hội đã xác minh tại các siêu thị Mỹ, đùi gà có giá bán 70.000 - 80.000 đồng/kg, trong khi đùi gà đông lạnh Mỹ nhập khẩu về Việt Nam bán ra chưa đến 20.000 đồng/kg. 

Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu khoảng 80.000 tấn thịt gà các loại. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu trên 50.000 tấn thịt gà, trong đó gần 70% là từ Mỹ. 

Toàn bộ con giống thế giới phụ thuộc vào 2-3 nhà cung cấp chính, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn ở các nước do phải nhập khẩu, thuốc thú y phải dùng nhiều hơn do dịch bệnh, nhưng bù lại, giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với Mỹ. 

Do đó, giá thành chăn nuôi gà ở Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực và không cao hơn nhiều so với Mỹ. Trong khi đó, thịt gà Mỹ về Việt Nam phải chịu hàng loạt chi phí khác. 

Hai hiệp hội đề nghị điều tra chống bán phá giá

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ nhận định, với việc nhập khẩu thịt gà mỗi tháng lên đến 6.000 tấn, nếu quy đổi lượng thịt này ra gà (2,5kg/con) thì tương đương 3 triệu con gà thịt/tháng. 

Trong khi đó, toàn ngành nuôi gà của Việt Nam mỗi tháng thu hoạch khoảng 8- 8,4 triệu con. Như vậy, gà nhập khẩu đã chiếm gần 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước. Với mức giá và số lượng như thế, ngành chăn nuôi gà trong nước không thể tồn tại. 

Suốt 11 tháng qua, các doanh nghiệp, người chăn nuôi gà công nghiệp trong nước với khoảng 5.000 trang trại đang bán dưới giá thành. Ước tính với số lỗ khoảng 10.000 đồng/con, ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.376 tỷ đồng. 

Hiện nay, người chăn nuôi phải chịu lỗ vì tiền đầu tư vào trang trại, nhà máy quá lớn, ước tính tiền vay ngân hàng khoảng 15.000 tỷ đồng nên không thể dừng lại. Nếu tình trạng thua lỗ kéo dài, thì các trang trại có nguy cơ vỡ nợ hàng loạt. 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cảnh báo, việc kiện chống bán phá giá phải thận trọng, tránh tác dụng ngược. Ông cho rằng, quá trình điều tra phải theo từng giai đoạn và phải có thời gian. 

Trước mắt, hiệp hội, các nhà sản xuất, chăn nuôi cần phải đoàn kết, tìm ra bất hợp lý trong các chính sách, tạo sự minh bạch trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đồng thời có các giải pháp đổi mới công nghệ trong chăn nuôi, tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết sau khi ký kết biên bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương... đề nghị điều tra chống bán phá giá với mặt hàng thịt gà nhập khẩu, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đã cơ bản lấy xong ý kiến của các doanh nghiệp và trại chăn nuôi lớn tại Đông Nam bộ. 

Đa số cơ sở đều ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ về kinh phí để hai hiệp hội khởi kiện một số nước, trong đó có Mỹ, đang bán phá giá thịt gà và các sản phẩm chế biến từ thịt gà tại Việt Nam. Kinh phí ban đầu cho vụ kiện này ước tính 100-200 ngàn USD (tương đương 2-4 tỷ đồng).

 

 
(Nguồn tin:TPO)