Sẽ phải nhập ít nhất 100.000 tấn thịt

Sẽ phải nhập ít nhất 100.000 tấn thịt
Theo số liệu do Bộ NNPTNT mới công bố, hiện ngành chăn nuôi nước ta đang gặp nhiều khó khăn, và chắc chắn trong những tháng cuối năm, nước ta sẽ phải nhập khẩu ít nhất 100.000 tấn thịt.

 

Giảm nhiều hơn báo cáo

Mặc dù số liệu của Tổng cục Thống kê, cũng như ngành chăn nuôi đưa ra, đàn lợn cả nước chỉ giảm 2-3%, gia cần giảm 2% song trên thực tế, nhiều nơi người chăn nuôi đã phải giảm đàn đến 40%, thậm chí có rất nhiều hộ còn phải bỏ chuồng.

Số lượng đầu gia súc, gia cầm đang giảm nhanh chóng do người chăn nuôi gặp khó khăn.

Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: "Cả lợn và gà của HTX năm nay đều giảm khoảng 35-40%. Cụ thể, nếu như năm 2011 với hơn 200 xã viên, tổng đàn lợn của HTX có khoảng 170.000 con thì năm nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 140.000 con; đàn gia cầm năm 2011 có hơn 1 triệu con, nay còn 70.000 con.

"Chúng tôi buộc phải giảm đàn do chăn nuôi liên tiếp bị lỗ, không thể cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài khi người… Nếu nhà nước không có cơ chế, chính sách, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ biến mất, vì tất cả các hộ chăn nuôi sẽ chuyển sang làm gia công cho các tập đoàn của nước ngoài" - ông Chiến nói. Cũng theo ông Chiến, bản thân gia đình ông năm 2011 chăn nuôi khoảng 9.000 đầu lợn nhưng năm nay đã giảm xuống còn 6.000 con, còn gà vốn luôn duy trì 7.000 con, nhưng nay đành bỏ trống chuồng, vì nuôi không có lãi.

Cũng giống như ông Chiến, bà Nguyễn Thị Hạt, ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (Yên Thế, Bắc Giang), vốn là một hộ chăn nuôi lớn, còn giờ đây đã phải chủ động giảm đàn để giảm lỗ. "Bình thường, gia đình tôi nuôi mỗi lứa 500 con lợn và 2.000 con gà, nhưng giờ càng nuôi càng lỗ, nên cả nhà chỉ dám nuôi 200 con lợn và 700 con gà mỗi lứa, vì nếu không nuôi cũng chẳng biết làm gì".

Thiệt đơn, thiệt kép

Hiện nay, hầu hết các trang trại, doanh nghiệp lớn đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì đàn và đều không có ý định tăng đàn. Theo Cục Chăn nuôi, dự kiến nếu giá lợn hơi tiếp tục ở mức thấp như hiện tại và tiếp tục kéo dài, phần lớn người chăn nuôi sẽ không còn đủ khả năng để nuôi tiếp. Chưa kể, một số hệ thống siêu thị lớn và cả chợ truyền thống đều có bán thịt lợn nhập khẩu có giá thấp hơn giá thịt trong nước, gây ảnh hưởng không nhỏ tới người chăn nuôi.

Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 10 chỉ đạt khoảng 40.500 đồng/kg; giá gà thịt lông trắng (gà công nghiệp) khoảng 28.500 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại bình quân khoảng 37.800 đồng/kg; Giá gà thịt lông màu (gà ta) khoảng 26.000-38.500 đồng/kg. Có thể thấy, đây là mức giá thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, nên người chăn nuôi tái đàn ít nên chắc chắn cuối năm nay sẽ có biến động về nhu cầu thực phẩm.

Theo dự kiến, cuối năm sẽ phải nhập khẩu khoảng trên dưới 100.000 tấn thịt các loại.

"Chúng tôi đang tổng hợp báo cáo của các địa phương gửi về. Dự kiến cuối tuần này hoặc đầu tuần tới sẽ có số liệu chính thức về cung cầu thực phẩm trong những tháng cuối năm. Khi đó, hai Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT mới họp để có những quyết định cụ thể nhập khẩu bao nhiêu thực phẩm, nhất là phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán" - ông Sơn nói.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, do năm nay sức mua của người dân rất thấp, nên có thể không có nhiều biến động về giá thực phẩm.

Theo danviet.vn