Sẽ sửa quy định “8 giờ” nếu có vướng mắc
- Thứ bảy - 11/08/2012 01:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phong khẳng định:
- Việc quy định “thịt bán trong tám giờ” là rất cần thiết, bởi tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động. Hoạt động kinh doanh thực phẩm đang diễn ra khá phức tạp, nhiều vụ vận chuyển và kinh doanh thực phẩm bẩn đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý thời gian qua là một ví dụ. Hơn nữa, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm từng bước nâng cao, cải thiện điều kiện giết mổ, bảo quản, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm góp phần ngăn ngừa dịch bệnh động vật lây lan, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ông Phùng Minh Phong - Ảnh: Đ.Bình |
- Thông thường sau giết mổ một giờ thì thịt bắt đầu có sự chuyển hóa, nếu điều kiện bảo quản không đảm bảo yêu cầu, sau bốn giờ thịt sẽ có hiện tượng phân hủy và sau tám giờ nếu không có biện pháp xử lý thích hợp, quá trình phân hủy sẽ sản sinh các độc tố có thể gây ngộ độc. Từ thời điểm này các vi sinh vật ô nhiễm trong thịt bắt đầu nhân lên theo bội số. Kết quả nghiên cứu ô nhiễm vi sinh vật trong thịt tươi ở điều kiện bình thường (nhiệt độ 20-250C) cho thấy sau tám giờ các mẫu xét nghiệm (lấy từ cơ sở kinh doanh) đều vượt giới hạn cho phép về tổng số vi khuẩn hiếu khí.
* Vậy làm thế nào để xác định thịt còn nằm trong phạm vi tám giờ?
- Thực tế hiện nay cho thấy các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thường bắt đầu hoạt động từ 3-4 giờ sáng, do vậy thịt giết mổ sẽ bán hết trong buổi sáng (trước 12 giờ). Riêng một số cơ sở giết mổ cung cấp cho địa bàn TP.HCM (các tỉnh lân cận) bắt đầu hoạt động từ 1-2 giờ sáng. Tuy nhiên số thịt này cung cấp về TP.HCM đều phải vận chuyển bằng xe lạnh. Khi thịt rời xe lạnh để bày bán thì tính thời gian tám giờ từ lúc này. Với cán bộ thú y, chỉ cần bằng cảm quan mắt thường cũng có thể xác định được thịt đã để bao nhiêu thời gian.
* Nếu thịt quá tám giờ lưu hành thì sẽ xử lý thế nào, lực lượng nào sẽ giám sát thực hiện thông tư này?
- Việc thực hiện và giám sát thực hiện là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các quy định này là động lực để thúc đẩy việc thực hiện Luật an toàn thực phẩm, hướng dẫn các cơ sở giết mổ, bảo quản, kinh doanh về các yêu cầu vệ sinh thú y và thực hành vệ sinh để cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Tất nhiên, để triển khai thực hiện cần có sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành liên quan, ban quản lý chợ, các đoàn thể, tạo thuận lợi cho cơ quan thú y thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Theo Tuoitre