Siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Thủ tướng đã đồng ý

Siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Thủ tướng đã đồng ý
►“Dù Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư dự án thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm”...
Siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Thủ tướng đã đồng ý

Lãnh đạo Bộ Công Thương, tỉnh Bình Định và chủ đầu tư khảo sát địa điểm xây nhà máy lọc dầu của PTT tại khu kinh tế Nhơn Hội.

"Với góc độ của người trực tiếp tìm hiểu, đàm phán dự án này, tôi cho rằng dự án nhà máy lọc hóa dầu của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) là khả thi", Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định tại buổi tạo đàm trực tuyến về kinh nghiệm thu hút đầu tư của Bình Định, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 12/5.

Nhấn mạnh dự án nhà máy lọc hóa dầu có tổng vốn đầu tư khoảng 27 tỷ USD của PTT tại khu kinh tế Nhơn Hội là dự án lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, chứ không chỉ của riêng Bình Định, ông Dũng cho biết lãnh đạo tỉnh Bình Định cho hay đã đàm phán với nhà đầu tư từ 3 năm nay, chứ không phải chỉ những tháng gần đây.

Trong thời gian qua, dự án này đã nhận được nhiều luồng ý kiến của dư luận, trong đó có nhiều ý kiến ủng hộ, bên cạnh nhiều ý kiến hoài nghi, đặt câu hỏi về tính khả thi.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bình Định cho rằng đây là dự án khả thi. Tài sản của PTT là hơn 150 tỷ USD, doanh thu hàng năm theo báo cáo tài chính của PTT là hơn 80 tỷ USD/năm, lợi nhuận gần 3,5 tỷ USD/năm. Theo ông Dũng, điều đó cho thấy năng lực của nhà đầu tư là năng lực thực tế, đã được chứng minh.

Thứ hai, trong chiến lược phát triển của PTT, tập đoàn đã có kế hoạch phát triển một nhà máy lọc hóa dầu công suất lớn ở khu vực, có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

“Như vậy, với nhà đầu tư thì năng lực đã sẵn sàng, kế hoạch cũng đã có. Chỉ còn vấn đề đặt ra là vì sao nhà đầu tư chọn khu kinh tế Nhơn Hội”, ông Dũng nói.

Trả lời cho câu hỏi này, Phó chủ tịch Bình Định cho biết, việc này là do nhà đầu tư chọn, qua quá trình khảo sát các vị trí ở Việt Nam, Malaysia, Myanmar… họ chọn khu kinh tế Nhơn Hội của Bình Định vì đây là mảnh đất có đủ điều kiện, hội đủ tiêu chí để triển khai nhà máy lọc hóa dầu.

Hiện nay, có một số ý kiến hoài nghi, nhưng chưa ý kiến nào khẳng định khu kinh tế Nhơn Hội không bảo đảm điều kiện xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, mà chỉ hoài nghi về năng lực tài chính của nhà đầu tư, ông Dũng lưu ý.

Cũng theo ông Dũng, địa điểm đặt nhà máy lọc hóa dầu là rất phù hợp vì khu kinh tế Nhơn Hội đã có sẵn hạ tầng, đầy đủ điều kiện để có thể triển khai dự án ngay lập tức, không phải giải tỏa bất kỳ m2 đất nào. Thứ hai là giá thuê đất rẻ nhất hiện nay ở cả khu vực, ở cả Việt Nam. Nhà đầu tư không phải đầu tư gì thêm về hạ tầng. Nhơn Hội có cảng nước sâu, kín gió, nằm trên đường giao thương quốc tế, có thể ra Bắc, vào Nam, đi ra với khu vực và trên thế giới.

“Theo thông tin mới nhất tôi nhận được, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án này tại khu kinh tế Nhơn Hội. Đó là thông tin rất đáng mừng đối với nhân dân Bình Định và những người quan tâm đến dự án này”, ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, theo ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết ngay khi nhận được thông tin về dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xem xét về quy hoạch, năng lực tài chính của chủ đầu tư, thị trường, và báo cáo Chính phủ.

“Dù Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư dự án thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong quá trình theo dõi, quản lý các dự án lớn tại các khu kinh tế như lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất, thép Formosa… chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề cần cân nhắc, đặc biệt là cơ chế, chính sách mà các nhà đầu tư đặt ra đối với các cấp chính quyền”, ông Thắng thẳng thắn.

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng phải tính đến khả năng tiếp nhận của phía Việt Nam, cũng như yêu cầu về kết nối cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của nhà đầu tư, ví dụ như dự án dầu khí tại Bình Định thì nhà đầu tư có thể yêu cầu hỗ trợ xây đê chắn sóng…, vì vậy cần phải cân nhắc về nguồn kinh phí hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Còn theo ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Bình Đình, hiện Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký văn bản chính thức giao UBND Bình Định hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí Thái Lan lập dự án đầu tư. Đây được xem là bước đi quan trọng để khẳng định về mặt pháp lý tính khả thi của dự án, sau đó tỉnh sẽ trình báo cáo dự án khả thi để Bộ Công Thương thẩm định, Thủ tướng quyết định.

Cùng với đó là việc thẩm định về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Sau đó nhà đầu tư sẽ dành thời gian 12 tháng lập hồ sơ mời thầu, 5 tháng chào thầu và xét duyệt kết quả đấu thầu trong khoảng 6 tháng. Sau bước này, sẽ tiến hành thủ tục cấp phép xây dựng dự án, với thời gian xây dựng nhà máy dự kiến bắt đầu từ 2016, đến giữa năm 2020 sẽ có sản phẩm đầu tiên.
Theo vneconomy.vn