Sở NNPTNT có không quá 7 chi cục chuyên ngành
- Thứ tư - 01/04/2015 21:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Đây là nội dung của Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ mới ban hành hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 11/5/2015.
Thông tư cũng nêu rõ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thuỷ sản; thuỷ lợi; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thuỷ sản và muối; về các dịch vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định pháp luật và theo phân công hoặc uỷ quyền của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Về cơ cấu tổ chức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Giám đốc và các Phó Giám đốc. Số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 03 người.
Tối đa 6 phòng chuyên môn
Về tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở, Thông tư nêu rõ, số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, văn phòng và thanh tra không quá 06. Cụ thể, các tổ chức được thành lập thống nhất ở các địa phương gồm: Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Kế hoạch, Tài chính; Phòng Tổ chức cán bộ. Ngoài ra, có các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ được thành lập phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, gồm: Phòng Thủy sản (thành lập ở các tỉnh, thành không có Chi cục Thủy sản); Phòng Quản lý xây dựng công trình.
Việc thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở phải bảo đảm bao quát đầy đủ các lĩnh vực công tác của Sở; rõ chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của phòng và tổ chức khác thuộc Sở; đối với những chuyên ngành, lĩnh vực đã thành lập Chi cục trực thuộc Sở thì không thành lập phòng chuyên môn nghiệp vụ cùng ngành, lĩnh vực đó và không giao nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Chi cục sang các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác.
Không quá 7 Chi cục
Về các Chi cục thuộc Sở, Thông tư quy định, số lượng Chi cục quản lý chuyên ngành được tổ chức lại đảm bảo tinh, gọn không quá 07 Chi cục.
Các Chi cục thuộc Sở gồm: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Kiểm lâm; Chi cục Thủy sản; Chi cục Thủy lợi; Chi cục Phát triển nông thôn; Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản.
Chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, có trụ sở, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết thành lập thêm Phòng thuộc Chi cục, UBND cấp tỉnh xây dựng Đề án gửi Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất trước khi quyết định.
Biên chế công chức, biên chế sự nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch biên chế công chức, biên chế sự nghiệp theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 11/5/2015.
Lan Phương
Nguồn: baochinhphu.vn