Sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản: Nhiều nhiệm vụ trước mắt….
- Chủ nhật - 19/07/2015 09:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mục tiêu chung của tái cơ cấu ngành thủy sản là phát triển thủy sản bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; Xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Về nuôi trồng thủy sản, Đề án tái cơ cấu ngành tập trung vào 4 con chủ lực là: tôm, cá tra, rô phi và nhuyễn thể. Về khai thác, Đề án tập trung tăng cường phương tiện, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật khai thác xa bờ và giảm tổn thất sau thu hoạch. Để Đề án thật sự khả thi, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách phục vụ thiết thực cho Đề án.
Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, những kết quả mà ngành thủy sản đạt được đã thể hiện hướng đi đúng đắn của các nhiệm vụ mà Đề án đã đặt ra. Năm 2014 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mốc 8 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỷ USD, cá tra đạt 1,7 tỷ USD, rô phi lần đầu tiên đạt mốc 30 triệu USD, nhuyễn thể đạt gần 70 triệu USD, còn lại là các đối tượng khác.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hội nghị cũng kiểm điểm nghiêm khắc những tồn tại hạn chế. Đó là: Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi tuy có giảm nhưng vẫn còn nan giải, nguồn lợi bị cạn kiệt, tốc độ tăng trưởng không bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; Việc triển khai rà soát quy hoạch thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra còn chậm, người nuôi và các doanh nghiệp nuôi cá tra tiếp cận vốn vay khó; Phát triển nuôi tôm thẻ không theo quy hoạch gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và nguy cơ gây dịch bệnh cao; Chất lượng giống cá rô phi chưa ổn định, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chưa nhiều; Thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn bất cập, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng; Việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản không như kỳ vọng, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao, gây lãng phí tài nguyên; Đào tạo kỹ thuật về nuôi trồng và khai thác thủy sản còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; Khoa học công nghệ chưa tương xứng trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT đề nghị toàn ngành thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
- Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, điều chỉnh chính sách đầu tư công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả;
- Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền;
- Tổ chức các mô hình theo chuỗi, các hợp tác xã kiểu mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nhân lực;
- Phát huy tốt diện tích đã có và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm dịch bệnh;
- Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, cơ sở chế biến thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường;
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại.;
- Đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng cường quản lý môi trường đi liền với cảnh báo dịch bệnh.
Theo khuyennongvn.gov.vn