Sớm có phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh và siêu bão
- Thứ ba - 07/10/2014 03:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo mô phỏng các kịch bản bão mạnh đổ bộ vào Trung Bộ, Nam Bộ và nhận định về tác động của gió bão đến cơ sở hạ tầng, nhà cửa của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho thấy: Bão mạnh có thể giữ được cấp độ đến sát bờ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển; khi bão dịch chuyển vào đất liền, cấp bão sẽ giảm nhanh do hiệu ứng ma sát của địa hình.
Từ 6-12 giờ ngay sau khi đổ bộ, bão có thể giảm xuống 2-3 cấp. Các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra gió mạnh do bão trên cấp 12 và 13, lớn hơn so với khu vực Nam Bộ. Nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng trong bão cao, tập trung vào khu vực ven biển Nam Bộ và Huế, do đây là các vùng đất trũng.
Để ứng phó với siêu bão, UBND các tỉnh, thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của của bão. Thông báo, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ra khỏi vùng nguy hiểm và về bờ. Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền đang hoạt động ven biển. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho các tàu thuyền tại bến. Tổ chức chặt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa; rà soát phương án, chuẩn bị, chủ động tổ chức sơ tán nhân dân vùng nguy hiểm. Cảnh báo kịp thời cho cư dân ở những vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, đập thủy lợi, thủy điện. Có phương án tiêu thoát nước đô thị, chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập. Kiểm soát giao thông tại khu vực bị ngập.
Các cơ quan truyền thông đại chúng cần liên tục thông báo diễn biến của bão, mưa, lũ và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
Đối với tàu, thuyền khi gặp bão, trong mọi trường hợp không được lái hoặc để cho tàu trôi xuôi theo hướng gió vì bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão; thay vào đó, phải liên lạc khẩn cấp với các tàu khác đang ở trong khu vực và với đài trực canh ven bờ để được ứng cứu. Trường hợp không thể đưa kịp tàu về vùng biển của Việt Nam mà phải vào vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác để tránh, trú bão thì phải điện báo ngay cho cơ quan chức năng của Việt Nam biết những thông tin cơ bản, vị trí của tàu, thuyền. Khi lánh nạn, phải tuân thủ pháp luật, quy định liên quan của nước sở tại.Trong trường hợp khẩn cấp, sử dụng tín hiệu báo hiệu tàu bị nạn cần trợ giúp theo Luật tránh va.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, để ứng phó hiệu quả với bão mạnh, siêu bão phải có những thông tin dự báo, thông tin điều hành chính xác. Thông tin dự báo có sai số càng nhỏ sẽ càng giảm thiểu được mức độ thiệt hại. Cần tăng thêm nguồn lực lực đầu tư cho hệ thống dự báo, nâng cao năng lực dự báo. Do tình hình biến đổi khi hậu của trái đất, những cơn bão trong thời gian gần đây thường có xu hướng mạnh, cực đoan hơn, lượng mưa thường cục bộ hơn nên các phương án ứng phó cũng cần phải làm mới hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn, cụ thể hóa các phương án ứng phó với bão. Các Bộ, ngành, các địa phương cần sớm có phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh và siêu bão.
Chỉ đạo điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục kiểm tra các phương án phòng chống thiên tai của các đơn vị, địa phương. Hà Tĩnh thuộc vùng có lượng mưa, cấp gió, triều cường, nước biển dâng cao nhất trong cả nước nên công tác phòng chống bão, nước biển dâng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần tiếp tục rà soát lại và có kế hoạch bổ sung các phương tiện ứng cứu trong siêu bão.
Theo báo cáo phân vùng bão, Hà Tĩnh thuộc vùng ven biển có tần số bão hàng năm 1,0 – 1,5 cơn. Mùa bão lùi về nửa cuối mùa hè, tập trung vào các tháng 8, 9, 10; lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ đạt 790 mm. Cường độ bão đã ghi nhận được là cấp 13. Về nguy cơ nước dâng do bão, mức cao nhất đã xảy ra tới trên 4,0 m, trong tương lai, khi có bão có khả năng mạnh thêm, nước dâng do bão có thể lên đến trên 4,5 m; trong trường hợp xảy ra vào thời kỳ triều cường, nước dâng tổng cộng trong bão có thể lên tới 5,7 – 6,2 m. |
Nguồn baohatinh.vn