"Sóng gió" cho con tôm trong năm tới

"Sóng gió" cho con tôm trong năm tới
Trong khi vụ tôm nước lợ 2012 được nhiều nhà chuyên môn đánh giá đã thất bại, thì vụ tôm 2013, cũng ẩn chứa nhiều thách thức khi hàng loạt vấn đề về dịch bệnh, vốn vay, đặc biệt rào cản kỹ thuật Ethoxyquin vơýi thị trường Nhật chưa được giải quyết triệt để

 

Vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành tôm Việt Nam trong năm 2013. Trong ảnh là nông dân huyện Cầu Ngang, Trà Vinh đang thu hoạch tôm - Ảnh: Trung Chánh

 

“Sóng gió” cho con tôm

 

Phát biểu khai mạc hội nghị: “Tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh tôm năm 2012 và triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2013” được tổ chức tại Bến Tre sáng 12-12, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói ngắn gọn: “Chúng ta đã trải qua một năm đầy khó khăn với con tôm”.

 

Theo ông Phát, tình hình dịch bệnh, giá cả bấp bênh kết hợp với một số quy định rào cản kỹ thuật mới (như quy định chất Ethoxyquin đối với xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc - PV)  đã khiến không ít hộ nuôi tôm và doanh nghiệp gặp khó khăn.

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết năm 2012 có 30 tỉnh, thành nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích trên 657.500 héc ta, đạt sản lượng trên 476.400 tấn. So với năm 2011, diện tích thả nuôi tăng 0,2% nhưng sản lượng giảm đến 3,9%.

 

“Riêng đối với tôm sú, diện tích thả nuôi đạt trên 619.000 héc ta, sản lượng đạt trên 298.600 tấn, giảm 7,1% về diện tích và 6,5% về sản lượng so với năm 2011”, ông Tuấn cho biết.

 

Theo ông Tuấn, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng; giá thức ăn, vật tư đầu vào tăng cao; giá đầu ra thấp, rào cản thương mại về Ethoxyquin… là những nguyên nhân chính khiến ngành tôm của Việt Nam gặp khó.

 

Cụ thể, báo cáo của Tổng Cục Thủy sản cho biết năm 2012 cả nước có trên 100.770 héc ta/657.500 héc ta tôm nuôi xảy ra dịch bệnh, tập trung nhiều nhất ở Sóc Trăng trên 23.370 héc ta, chiếm trên 56% diện tích thả nuôi; Bạc Liêu trên 16.919 héc ta, chiếm trên 50% diện tích thả nuôi; Trà Vinh 12.200 héc ta, chiếm trên 49% diện tích thả nuôi của tỉnh...

 

Không chỉ xảy ra dịch bệnh, giá cả bấp bênh cũng là nguyên nhân khiến không ít hộ nuôi rơi vào chỗ phá sản. “Vua” tôm Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn), xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu, cho biết năm nay là năm khó khăn nhất đối với ngành tôm Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây.

 

“So với năm ngoái, giá tôm năm nay đã giảm bình quân khoảng 40-45% lận”, ông nói.

 

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau), cho biết xuất khẩu tôm Việt Nam vào Nhật liên tục giảm mạnh khi họ nâng mức cảnh báo đối với chất Ethoxyquin lên 0,01 ppm.

 

“Tại sao giá thành sản xuất tôm của Việt Nam cao như vậy? Đó là do hàng rào kỹ thuật của các nước được dựng lên, cho nên, tôm Việt Nam không cạnh tranh được với thế giới”, ông Quang cho biết.

 

Thách thức trong năm tới

Ông Lê Văn Quang (đứng), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú phát biểu ý kiến tại hội nghị - Ảnh: Trung Chánh

 

Theo ông Tuấn, hiện dịch bệnh trên tôm cơ bản đã xác định được nguyên nhân là do chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) gây nên, tuy nhiên, không ít ý kiến phát biểu tại hội nghị tỏ ra băn khoăn về nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm chết thời gian qua.

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đặt vấn đề: “Tại sao trước đây chưa nuôi theo hướng công nghiệp thì không xuất hiện dịch bệnh?”.

 

Ông Năm dẫn chứng, những tỉnh có tỉ lệ nuôi tôm công nghiệp càng lớn như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, thì tỉ lệ dịch bệnh xảy ra càng nhiều do sử dụng các chất kháng sinh, diệt tảo, diệt giáp xác ở những mô hình nuôi công nghiệp lớn.

 

Tuy nhiên, ông Sáu Ngoãn đặt vấn đề: “Tại sao tôi không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc diệt giáp xác nhưng tôm nuôi cũng gặp dịch?”.

 

Theo ông Ngoãn, ngoài dịch bệnh, vấn đề vay vốn sản xuất gặp khó khăn cũng là một thách thức đối với ngành tôm Việt Nam trong năm 2013.

 

“Chính phủ yêu cầu phía ngân hàng cho doanh nghiệp, nông dân gặp khó khăn trong sản xuất được vay vốn nhưng khi chúng tôi tiếp cận, ngân hàng lại cho vay theo kiểu “nhỏ giọt”, như vậy làm sao đầu tư sản xuất”, ông Ngoãn cho hay.

 

Thách thức lớn nhất đối với ngành tôm Việt Nam trong năm tới được nhiều nhà chuyên và doanh nghiệp tại hội nghị lưu ý, đó là vấn đề Nhật nâng mức cảnh báo Ethoxyquin.

 

Theo ông Quang, nếu vấn đề chất Ethoxyquin không sớm được giải quyết, giá tôm trong năm 2013 sẽ tiếp tục giảm thêm 30.000 – 50.000 đồng/kí lô gam nữa chứ không dừng lại như hiện nay.

 

“Phải kiện những hàng rào kỹ thuật phi lý được các nước dựng lên, nếu không kiện năm tới người sản xuất tôm có nước mang về ăn thôi’, ông Quang bức xúc.

 

Tuy nhiên, ông Phát cho biết: “Chính phủ đang làm hết sức để tháo gỡ những khó khăn về vấn đề thị trường, đặc biệt về chất Ethoxyquin. Tuy nhiên, chúng ta nên đấu tranh trên tinh thần để bán được nhiều hơn chứ không phải đấu tranh để mất thị trường”.

 

Theo ông Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phám với phía Nhật yêu cầu họ xem xét lại vấn đề cảnh báo chất Ethoxyquin. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và hộ sản xuất trong nước cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng Ethoxyquin có trong tôm nguyên liệu, chẳng hạn, cho tôm ăn thức ăn không có chứa chất Ethoxyquin trước khi thu hoạch một thời gian.

 

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cho biết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức đồng ý đưa con tôm vào chương trình cho vay ưu đãi giống như con cá tra.

 

Ngày 13/12/2012 - Theo Tư vấn nông nghiệp