Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù 20 năm
- Thứ ba - 05/04/2016 21:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm chất cấm ở lợn. (Ảnh: Thanhnien.vn)
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổng hợp kết quả kiểm tra tại các địa phương năm 2015 và 2 tháng năm 2016, tổng số cơ sở kiểm tra là 1.893, trong đó có 589 cơ sở có vi phạm chất cấm (chiếm 3,1%), trong đó có 17 mẫu thức ăn chăn nuôi; 257 mẫu nước tiểu lợn; 12 mẫu thịt, phủ tạng vi phạm chất cấm.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, để giải quyết vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các đoàn thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2015, các đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được trên 40 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý 18 công ty có hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 2,6 tỷ đồng. Cục Thú y cũng đã chỉ đạo các chi cục lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Kết quả, phát hiện 3 mẫu thịt (chiếm 0,77%), 147 mẫu nước tiểu (chiếm 10,7%) dương tính với Salbutamol.
“Qua thanh tra, chúng tôi đã nhận diện được các hành vi vi phạm, nhóm đối tượng vi phạm và đã bóc tách, triệt phá được nhiều đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm. Thông qua quá trình điều tra cũng đã xác định được nguồn cung cấp Salbutamol và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm”, ông Việt nói.
Còn theo báo cáo của 43/63 tỉnh, thành phố, qua kiểm tra 1.129 cơ sở đã phát hiện 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,2%), phát hiện 12/649 (chiếm 1,8%) mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Salbutamol; 69/1.026 mẫu nước tiểu (chiếm 6,7%), 1/172 mẫu thịt (chiếm 0,6%) có sử dụng chất cấm Salbutamol.
Điều đáng nói là, việc nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất Salbutamol còn nhiều vấn đề. Qua điều tra của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thấy, một số lượng lớn chất Salbutamol do các công ty dược nhập về được sử dụng chưa đúng mục đích. Theo báo cáo của C49, trong 2 năm 2014 – 2015, các công ty dược đã nhập khẩu 9.140kg Salbutamol, trong đó có 6.248kg được bán ra ngoài, sai mục đích, không đúng đối tượng. Hiện nay, trong kho của các công ty dược còn lại khoảng 1.334kg và các công ty dược đang thu hồi2.025kg đã phối trộn, tỷ lệ Salbutamol thấp, kém chất lượng.
Như vậy có thể thấy, cuộc chiến với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn khá nan giải và những con số thống kê có lẽ vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng”, bởi cho đến nay chưa ai dám khẳng định lượng Salbutamol còn trôi nổi trên thị trường là bao nhiêu. Thực tế, theo đánh giá của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau các đợt ra quân ồ ạt, dù tình hình đã được kiểm soát nhưng ở các tỉnh phía Nam vẫn phát hiện heo có tồn dư chất cấm nhưng với tỷ lệ thấp hơn, tập trung ở TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Báo cáo của Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh cho thấy, vẫn phát hiện các lô dương tính với chất cấm. Cụ thể, giai đoạn từ 17/1/2016 đến 7/2/2016 qua kiểm tra phát hiện 11/276 lô; trong tháng 3, tỷ lệ phát hiện tồn dư chất cấm là 1,5%.
“Ngày 7/4, chúng tôi sẽ cử đoàn thanh tra vào các tỉnh phía Nam tiếp tục thanh kiểm tra, nếu phát hiện các sản phẩm lợn có chất cấm là phải tiêu hủy. Tháng 6 - 7 tới, tất cả các đối tượng sử dụng chất cấm sẽ bị xử phạt tiền rất nặng, thấp nhất từ 50-200 triệu đồng, nặng nhất là đi tù 20 năm”, ông Việt thông tin thêm.
Theo Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn