Sử dụng vốn ODA trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Sử dụng vốn ODA trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai
CTTĐT - Trong những năm qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi, kết hợp chặt chẽ với các nguồn nội lực, đã đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở Lào Cai.
 
Nguồn ODA đầu tư hỗ trợ hệ thống tưới tiêu thủy lợi trên địa bàn tỉnh

Đầu tư những lĩnh vực trọng điểm
Vốn ODA là một phần của nguồn tài chính chính thức mà Chính phủ các nước phát triển và các tổ chức đa phương dành cho các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội. Vốn ODA bao gồm tất cả các khoản viện trợ không hoàn lại, có hoàn lại và vay ưu đãi. Với một tỉnh miền núi, biên giới nhiều còn khó khăn như Lào Cai thì vốn ODA có một ý nghĩa rất quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư cho phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh giảm mạnh đầu tư công như hiện nay.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, giai đoạn 1993 - 2019, Lào Cai đã tiếp nhận và triển khai thực hiện 39 chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA với tổng mức đầu tư hơn 3.295 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA đạt trên 2.595 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách. Đến nay, đã giải ngân được trên trên 3.089 tỷ đồng, đạt 94%.
Các chương trình, dự án ODA tập trung chủ yếu về lĩnh vực: Mạng lưới điện và cấp điện nông thôn, giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn, phát triển hạ tầng về giáo dục, y tế, giảm nghèo tại các xã, huyện nghèo, vung đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở địa phương... Cùng với nguồn vốn từ ngân sách hàng năm đầu tư 65-70% cho vùng cao, vùng nông thôn, trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn ODA trong giai đoạn vừa qua, mỗi năm bổ sung cho ngân sách tỉnh từ 700-800 tỷ đồng để góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở các xã miền núi khó khăn, cải thiện môi trường, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững (tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đều đạt và vượt trên 5%).
Các dự án ODA được đầu tư trong giai đoạn vừa qua đều đem lại hiệu quả,  điển hình phải kể đến: Dự án cơ sở hạ tầng nông thôn tỉnh Lào Cai giai đoạn 1998- 2004 do Cơ quan phát triển pháp (AFD) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, đến nay dự án đã hoàn thành và đạt được mục tiêu đề ra; được đánh giá đảm bảo chất lượng, qua thời gian khai thác sử dụng đến nay các công trình giao thông nông thôn đều đang hoạt động tốt, phát huy hiệu quả, hòa nhập với hệ thống đường quốc lộ và tỉnh lộ. Bên cạnh đó sau khi đầu tư các công trình thủy lợi trong dự án này đã tăng thêm 2.400 ha lúa trong tỉnh, chủ động đảm bảo được nguồn nước tưới tiêu, môi trường vệ sinh nông thôn được cải thiện. Đối với dự án Năng lượng nông thôn II (REII) tỉnh Lào Cai sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) được triển hai thực hiện cho 40 xã trong tỉnh với tổng giá trị hoàn thành trên 133 tỷ đồng. Dự án hoàn thành đã cấp điện ổn định, an toàn cho trên 17 nghìn hộ dân, trong đó có 7,4 nghìn hộ lần đầu được sử dụng điện lưới quốc gia, qua đó góp phần hữu ích cho người dân vùng dự án cải thiện điều kiện sống và góp phần hoàn thành mục tiêu đưa điện lưới quốc gia đến 100% trung tâm các xã trong tỉnh…
Một trong những dự án điển hình có vai trò quan trọng chuẩn bị cho thành lập thị xã Sa Pa đang được các đơn vị thi công gấp rút là Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông - Tiểu Dự án đô thị Sa Pa, gồm 5 hợp phần về: Xây dựng, quản lý hệ thống xử lý nước thải Sa Pa; Nâng cấp Tỉnh lộ 152, đoạn từ thị trấn Sa Pa đi ngã ba Bản Dền dài 14,3 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi; Xây dựng và nâng cấp hạ tầng đô thị Sa Pa; Cải thiện môi trường xanh đô thị Sa Pa  và hợp phần hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực với tổng mức đầu tư trên 894 tỷ đồng, trong đó vốn vay của ADB chiếm 83%, còn lại là vốn đối ứng thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.
Có được kết quả như vậy, địa phương không chỉ nỗ lực trong công tác xúc tiến, vận động các nhà tài trợ của các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hoà Pháp, Ngân hàng thế giới (WB)..., mà còn chú trọng công tác quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan đầu mối và các đơn vị chuyên ngành có liên quan để quản lý, định hướng các nguồn vốn ODA theo chủ trương của Nhà nước, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, Lào Cai đã thành lập và tổ chức hoạt động của Ban quản lý dự án ODA tỉnh, đây là mô hình mang tính chuyên nghiệp, được nhiều Bộ, ngành Trung ương cũng như nhà tài trợ  (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á) đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình này.
Thêm nhiều giải pháp
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai những năm vừa qua cho thấy quá trình thực hiện, giải ngân các dự án ODA, một số dự án còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu do vẫn còn sự xung đột về mặt pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng; điển hình là trình tự, thủ tục công tác chuẩn bị dự án còn quá dài. Bên cạnh đó, sự khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ trong lĩnh vực đấu thầu và các chính sách về an sinh xã hội như đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, công tác tư vấn còn nhiều bất cập,… cũng đã gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện theo đúng tiến độ đã đề ra.
Xét về bản chất, vốn ODA, vốn vay ưu đãi chính là nguồn ngân sách nhà nước, cần phải quản lý, sử dụng một cách chặt chẽ, hiệu quả. Do đó, để tạo chuyển biến cũng như phát huy vai trò của nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong quá trình thực hiện đầu tư tại địa phương, Lào Cai cần thực hiện tốt giải pháp liên quan đến việc đảm bảo thực hiện các cam kết của phía Việt Nam với các nhà tài trợ về bố trí vốn đối ứng, kiện toàn năng lực của ban quản lý dự án, thực hiện tốt công tác giải phòng mặt bằng và tái định cư. Theo đó, cần tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức của ban quản lý dự án ODA theo hướng tích cực như: thành lập các phòng ban đúng chức năng, nhiệm vụ; lựa chọn cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý các dự án gắn với việc tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ này; thực hiện tốt công tác lập kế hoạch vốn đối ứng, chẳng hạn kế hoạch vốn đối ứng phải được lập cùng với kế hoạch giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi…
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác lập kế hoạch vốn đối ứng của địa phương để đảm bảo tiến độ đã cam kết với đối tác nước ngoài; đồng thời chú trọng khâu giám sát và đánh giá trong quá trình thi công thực hiện dự án; thành lập tổ chuyên trách về đánh giá hậu dự án của tỉnh, xây dựng kho dữ liệu về các dự án ODA làm cơ sở thông tin cho công tác theo dõi và đánh giá nguồn vốn này. 
Hơn nữa, cần thực hiện công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình. Để thực hiện tốt giải pháp này địa phương cần thực hiện nghiêm việc thẩm định vốn khi phê duyệt văn kiện chương trình, dự án; bảo đảm quy mô dự án phù hợp với khả năng bố trí vốn đối ứng của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư; lãnh đạo các cấp cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương trong việc chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đảm bảo dự án ODA được thực hiện theo đúng tiến độ cam kết.
Điều đáng quan tâm hiện nay là để tiếp tục tháo gỡ những rào cản không đáng có, nhằm giúp các địa phương tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ODA, các cơ quan thẩm quyền cấp Trung ương cần xây dựng Pháp lệnh về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho công tác thu hút và sử dụng nguồn vốn này; xây dựng cơ chế cho phép doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn vay ODA và các khoản vay  ưu đãi (đầu tư theo hình thức đối tác công – tư PPP) để cùng chia sẻ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro cùng Chính phủ trong việc sử dụng nguồn ODA./.
Theo Hồng Minh/laocai.gov.vn