Sự kiện 24/7: Hơn 1.000 ha tiêu chết khô do hạn hán ở Quảng Trị

KTNT Hạn hán kéo dài ba tháng qua khiến hàng loạt vườn tiêu ở Quảng Trị mất mùa, thu nhập của nhiều hộ dân giảm hàng chục triệu đồng.
Nhiều vườn tiêu ở Quảng Trị bị chết khô, vàng lá do hạn hán. Ảnh: Hoàng Táo

Đứng bên vườn tiêu 1.500 gốc ở thôn Lễ Môn (xã Gio Phong, Gio Linh, Quảng Trị), ông Phan Trọng Lư (67 tuổi) cho hay, nắng gắt kéo dài ba tháng qua, cùng với gió phơn Tây Nam thổi mạnh làm vườn tiêu của ông có 200 gốc bị chết khô hoàn toàn, 600 gốc khác vàng lá, rụng quả. 

"Đây là vườn tiêu 10 năm tuổi, đang vào thời kỳ sung sức, mọi năm thu được khoảng 1,2 tấn quả, năm nay chỉ còn khoảng 500 kg, như vậy là lỗ nặng", ông Lư nói.

25 năm trồng tiêu ở vùng đất đỏ phía tây huyện Gio Linh, ông Lư nói đây là lần đầu gặp đại hạn khiến tiêu chết hàng loạt như vậy. "Tôi không biết số tiêu bị vàng lá có khả năng phục hồi hay không, nhưng chắc chắn năng suất các năm tới sẽ giảm", ông Lư nhận định.

Ở gần đó, chị Phùng Thị Hằng, 40 tuổi, cho hay vườn tiêu 200 gốc của gia đình đã chết khô hoàn toàn. Khoảng tháng 5/2019 đến nay, tiêu có biểu hiện vàng lá, khô đen rồi chết, cây giòn như rang.

"Thời gian đầu, gia đình tích cực tưới từ nguồn nước giếng khoan, nhưng đến khi đậu quả thì cây chết", chị Hằng nói.

Tương tự, vườn tiêu 2.000 gốc của ông Hoàng Hồng Sơn (thôn An Cổ, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh) xơ xác trong những ngày nắng hạn; ngoài 300 gốc tiêu đã chết, những gốc cây còn sống thì lá vàng úa, rụng dần.

Hạn khiến sản lượng tiêu giảm, thu nhập của gia đình ông Sơn từ vườn tiêu trước đây khoảng 150 triệu đồng mỗi năm, năm nay chỉ còn 40-50 triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh, đầu năm 2019, nhiều vườn tiêu trên địa bàn nhiễm bệnh nên sức chống chọi với thời tiết của tiêu bị giảm. Đến đầu mùa hè, tiêu đang phục hồi sau bệnh thì gặp hạn nặng kéo dài nên cây chết hàng loạt. 

"Với những vườn tiêu bị thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị hướng dẫn bà con canh tác bền vững, tưới tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học... để hạn chế bệnh và chống chịu với thời tiết", ông Viễn nói.

Toàn tỉnh Quảng Trị có 2.500 ha tiêu. Đợt hạn vụ Hè Thu khiến gần 150 ha tiêu thiệt hại nặng, chết hoàn toàn; 1.000 ha khác bị ảnh hưởng, vàng lá, chết cành, rụng quả.

Nhiều tỉnh miền Trung xin giãn nợ cho ngư dân đóng tàu vỏ thép

Giãn nợ, chuyển đổi tàu cho người khác... là những giải pháp được đề xuất để tháo gỡ tình trạng nhiều ngư dân gặp khó với tàu cá xa bờ.

tauvothep.jpg

Gần đây nhiều chi nhánh ngân hàng ở một số tỉnh miền Trung đã xúc tiến khởi kiện những ngư dân vay tiền đóng tàu vỏ thép (theo chính sách của nghị định 67), song chậm trả dẫn đếnnợ xấu hàng tỷ đồng.

Ngân hàng Công Thương chi nhánh TP Vinh cuối năm 2018 thắng kiện một chủ tàu ở thị xã Cửa Lò, thu lại con tàu trị giá 11 tỷ đồng (lúc đóng mới); ngoài ra, 8 chủ tàu khác đang bị chi nhánh ngân hàng này khởi kiện.

"Hiện các chủ tàu ở Nghệ An có tổng nợ xấu 180 tỷ đồng (riêng ngân hàng Công Thương là 73 tỷ đồng), chúng tôi không muốn kiện nhưng để thu hồi số nợ lớn như vậy thì không còn cách nào khác", ông Võ Huy Hạ - Giám đốc Ngân hàng Công Thương chi nhánh TP Vinh nói.

Theo ông Võ Văn Hùng - Phó chủ tịch thị xã Cửa Lò (Nghệ An), việc chủ tàu chậm trả nợ có nhiều nguyên nhân khách quan, khi chuyển từ đánh bắt gần bờ ra xa bờ thì chuyên môn, kinh nghiệm ngư dân địa phương còn yếu, buộc phải thuê lao động ngoại tỉnh. Trong khi đó, năm 2017 -2018, nghề lưới vây của tàu đánh bắt xa bờ không hiệu quả do mất mùa cá nổi, thu nhập thấp khiến lao động làm thuê trên tàu bỏ nghề hàng loạt. 

Vừa qua thị xã Cửa Lò đã có nhiều buổi làm việc với các ngân hàng và chủ tàu để đốc thúc xử lý các khoản nợ xấu. "Quan điểm của thị xã là kiến nghị các ngân hàng cho giãn nợ để chủ tàu tìm bạn nghề để khai thác tốt hơn, hoặc bán lại tàu cho ngư dân khác", ông Hùng nói.

Đồng tình với kiến nghị nêu trên, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói quy định hiện hành cho phép chủ tàu hoạt động không hiệu quả thì chuyển nhượng lại cho chủ tàu khác có năng lực tốt hơn.

"Chúng tôi đang giao các huyện rà soát hoạt động đánh bắt của các chủ tàu vỏ thép trên địa bàn, nếu ngư dân nào có nhu cầu trả tàu thì sẽ trình UBND tỉnh để thực hiện chuyển nhượng cho người khác", vị này nói.

Tại Quảng Nam, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng cho hay, tỉnh đã báo cáo ra Trung ương tình hình nợ xấu (hơn 200 tỷ đồng) liên quan đến tàu vỏ thép trên địa bàn; kiến nghị xem xét cụ thể những trường hợp chậm trả nợ để gia hạn. 

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương ven biển thành lập tổ công tác hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ từ ngư dân.

Để tránh rủi ro cho khoản nợ, Chi cục thủy sản Quảng Nam được yêu cầu không cấp giấy phép khai thác hải sản cho "tàu 67" hết hạn bảo hiểm; biên phòng không cho tàu trong diện này xuất bến nếu không có bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

Trong khi đó, tại Quảng Trị, chính quyền địa phương vận động ngư dân chấp hành theo hợp đồng đã ký với ngân hàng, vì đây là hợp đồng dân sự nên tỉnh không thể can thiệp.

Các cơ quan chức năng được giao giám sát tàu cá ra vào cảng, xem xét chủ tàu nào có doanh thu thì yêu cầu trả nợ cho ngân hàng; những ngư dân cố tình không trả nợ thì sau này sẽ không được hưởng các khoản hỗ trợ nhiên liệu của chính quyền.

Ngoài ra, tỉnh tổ chức họp với đại diện ngân hàng và các ngư dân để bàn giải pháp. "Cùng với vận động ngư dân tích cực trả nợ, chúng tôi đề nghị phía ngân hàng cần chia sẻ với bà con. Việc khởi kiện, thu hồi tàu không có lợi cho cả hai phía", ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói.

Tước gần 400 giấy phép lái xe sau 1 tháng kiểm tra hành chính

Phòng cảnh sát giao thông Đường bộ, đường sắt công an tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương đã tước giấy phép của gần 400 lái xe vi phạm.

vi-pham-gt.jpg

Sau 1 tháng ra quân cao điểm tổng kiểm soát các phương tiện giao thông, bắt đầu từ ngày 14/7, Phòng cảnh sát giao thông Đường bộ, đường sắt công an tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương đã kiểm tra hàng chục nghìn phương tiện Container, xe khách, xe mô tô, tước giấy phép của gần 400 lái xe, tạm giữ hơn 330 phương tiện và xử phạt hơn 7 tỷ đồng.

Thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được phê duyệt, các đơn vị đã tăng cuờng lực lượng tại các quốc lộ và các tuyến đường thường xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương tập trung xử lý các lỗi vi phạm như không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, vi phạm các quy định về mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; không có đăng ký, đăng kiểm...

Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra trên 11.000 phương tiện, xử lý trên 3.200 trường hợp vi phạm, phạt trên 2 tỷ đồng.

Tại Quảng Ninh, gần 11.000 lượt cán bộ chiến sỹ đã được huy động, kiểm tra trên 36.700 phương tiện, lập biên bản xử lý hơn 23.000 phương tiện, tước 190 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 400 phương tiện và phạt tiền hơn 5 tỷ 600 nghìn đồng.

Trong quá trình kiểm tra, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh còn phát hiện một số vụ vận chuyển động vật hoang dã, thu giữ 7kg sừng tê giác, phát hiện và xử lý 3 đối tượng nhập cảnh trái phép.

Thượng tá Trần Huy Nghị, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bên cạnh việc xử phạt thì có những trường hợp chúng tôi chỉ nhắc nhở, tuyên truyền để người dân nhớ và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông vì ý thức là cái quyết định đảm bảo an toàn cho chính họ và những người khác”.

Bộ Y tế chưa quyết định bổ sung vi chất vào sữa học đường

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường, Bộ Y tế đã ban hành quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình này và ban hành nhiều hướng dẫn tới các địa phương tổ chức hiện. Riêng vấn đề về bổ sung vi chất vào sữa học đường, đến nay Bộ Y tế chưa có quyết định.

sua-hoc-duong.jpg

Trao đổi với báo chí ngày 15/8 về thông tin một số phương tiện truyền thông phản ánh Bộ Y tế chậm ban hành quy chuẩn về sữa học đường, khiến Chương trình này triển khai chậm trễ, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) lý giải, thông tin trên là chưa chính xác, vì ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường và ban hành nhiều băn bản hướng dẫn các dịa phương tổ chức thực hiện.

Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh, về nguyên liệu, sản phẩm sữa tươi dùng trong chương trình sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Đến thời điểm hiện tại, sau 3 năm triển khai Chương trình, qua công tác giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của các địa phương, mới có 15 tỉnh đã và đang triển khai Chương trình này.

Liên quan đến việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, việc bổ sung số lượng và hàm lượng vi chất vào sữa học đường phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và Bộ Y tế sẽ công khai minh bạch, lấy ý kiến của các nhà khoa học và cả doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận cao nhất về vấn đề này.

“Nếu vẫn còn những ý kiến khác nhau thì vai trò quyết định sẽ là của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến về việc bổ sung số lượng các loại vi chất nhưng việc này Bộ Y tế vẫn chưa quyết định”, ông Vinh cho biết.

Hiện, sau 3 năm triển khai Chương trình, ông Nguyễn Đức Vinh vẫn nhấn mạnh, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường một cách công khai minh bạch trên cơ sở lấy ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Đề xuất chi 150 tỷ đồng dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch

Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc công ty TNHH thoát nước Hà Nội cho biết, đề xuất trên có khái toán kinh phí khoảng 150 tỷ đồng và đang được thành phố xem xét.

song-to-lic.jpg

Theo ông Hùng, nếu được thành phố chấp thuận đề xuất, Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây; khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông. "Phương án bổ cập này vừa dễ thực hiện vừa tiết kiệm", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, trước đây có đề xuất lấy nước sông Nhuệ làm sạch sông Tô Lịch, tuy nhiên phương án này chỉ giúp cải thiện môi trường sông Tô Lịch mà không điều tiết được mực nước hồ Tây nên không tối ưu.

Ngoài đề xuất nêu trên, Hà Nội đang thí điểm hai giải pháp làm sạch sông bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và chế phẩm Redoxy3C của Đức.

"Thành phố cũng đang thực hiện dự án tách nước thải, không để nước thải chảy vào sông Tô Lịch mà gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày/đêm", ông Hùng nói và thông tin thêm, dự kiến 4 năm nữa dự án tách nước thải sẽ hoàn thành.

Theo V.N (tổng hợp)/https://kinhtenongthon.vn/