Sự thật của những giọt nước mắt

Thông tin về “sưu cao thuế nặng”, những khoản đóng góp ở một số địa phương thuộc huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) gây bức xúc trong dư luận, hình ảnh một phụ nữ nông dân nghèo khổ khóc than vì phải nộp nhiều khoản tiền như một sự minh họa cho tấn bi kịch ở nông thôn hiện nay.
Người nông dân này khóc không phải vì chuyện nộp tiền, mà vì chuyện buồn của gia đình.

Nhưng hỏi ra mới biết, người nông dân này khóc không phải vì chuyện nộp tiền, mà vì chuyện buồn của gia đình. Giọt nước mắt khóc chuyện riêng tư của một cá nhân được khái quát để bi kịch hóa nỗi thống khổ của người dân ở một vùng nông thôn do các khoản phải đóng góp. Đây đúng là sáng tạo văn chương hơn là thông tin báo chí.

Nhiều vùng nông thôn Việt Nam còn nghèo, đời sống người nông dân còn khó khăn, đó là sự thật.

Nhiều địa phương tổ chức thu phí sai quy định, thậm chí có trường hợp thu và chi sai mục đích, biến công thành tư, đó là sự thật. Có trường hợp lãnh đạo huyện, xã cậy quyền, dắt cả đàn dê, đàn bò hỗ trợ cho người nghèo vào làm của riêng cho nhà mình, đó là sự thật. 

Tại xã Thường Nga, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) có những khoản thu không đúng quy định. Những khoản thu sai này cần phải chỉ ra, trả lại tiền cho dân, xử lý những người cố tình làm sai. Nhưng bên cạnh đó, có những khoản thu đúng quy định, sử dụng đúng mục đích như làm đường bêtông, thôn xóm sạch sẽ khang trang hơn, đây cũng là điều đáng ghi nhận.

Chỉ ra cái sai, nhưng không thể vì một vài trường hợp thu sai mà kết luận các khoản thu này làm cho người dân “sức tàn lực kiệt”. Hãy thử công tâm nhìn nhận, giả sử người dân bị lạm thu vài chục nghìn hay vài trăm nghìn mỗi năm, thì có phải vì chừng đó tiền mà người dân bị đẩy đến sự nghèo khổ cùng cực. Một số trang mạng đưa hình ảnh phòng làm việc của xã trang bị máy lạnh và nhà người dân tồi tàn để so sánh, gây nên sự tương phản. Cách so sánh này quá khiên cưỡng, việc văn phòng ủy ban xã có gắn máy lạnh là chuyện quá bình thường, không thể suy diễn cái máy lạnh đó là thụ hưởng trên sự nghèo khổ của người dân. Đối với một vài hộ nghèo, đó là do hoàn cảnh riêng, gia đình có người bệnh nan y, cái nghèo đó không phải do phải đóng quá nhiều khoản thu.

Nhiều người dân ở xã Thường Nga đóng tiền làm đường, vui vẻ cho rằng chỉ đóng 200.000 đồng mà có đường bêtông để đi, chưa kể có nhiều hộ sẵn sàng hiến đất làm đường. Vậy thì có phải nặng nề đến mức người dân bán hết thóc không đủ tiền nộp cho xã hay không, chắc chắn là không.

Đấu tranh chống lại sự bất công là cần thiết, nhưng nói không đúng sự thật cũng là một sự bất công

Nguồn: laodong.com.vn