Sửa đổi Luật giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển
- Thứ hai - 18/06/2018 08:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Từ Văn Diện, lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng dự.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri tập trung góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Cử tri cho rằng, đổi mới giáo dục là vấn đề cấp bách, cần thiết. Đa số ý kiến đồng tình với đề xuất tăng lương, miễn học phí bậc học THCS, nhất là học sinh miền núi, vùng điều kiện khó khăn. Với đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, cử tri nêu ý kiến cần có lộ trình phù hợp.
Cử tri Lê Bá Thiềm (Phòng GD&ĐT TX Hồng Lĩnh) cho rằng, việc tự chủ tài chính cho các cấp tiểu học, THCS, THPT sẽ gây khó khăn cho người dân, đặc biệt đối với tỉnh nghèo, làm tăng tỷ lệ học sinh bỏ học. Vì vậy, đề nghị miễn học phí đối với cấp THCS.
Cử tri Đào Duy Sỹ (Phòng GD&ĐT Hương Sơn) bày tỏ băn khoăn về thu nhập của giáo viên còn thấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục thiếu và yếu; việc xã hội hóa đầu tư giáo dục còn khó khăn.
Theo ông Sỹ, việc tăng tiền lương sẽ tạo động lực cho giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề, từng bước khắc phục tình trạng tuyển sinh ngành sư phạm có điểm thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng vẫn không thu hút được người học.
Cử tri Nguyễn Công Hoan (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) đề nghị cần có chính sách thu hút học sinh giỏi, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vào trường sư phạm và đảm bảo đầu ra, chế độ đãi ngộ cho sinh viên sư phạm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế bồi dưỡng giáo viên đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Trả lời ý kiến cử tri, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005. Quá trình thực hiện, Luật Giáo dục đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành.
Về vấn đề miễn học phí cho học sinh THCS, Phó Thủ tướng cho biết, Đảng, Chính phủ rất muốn miễn học phí cho bậc THCS, thậm chí cả THPT. Tuy nhiên, điều kiện ngân sách nhà nước hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, tinh thần là phân cấp đóng học phí theo vùng, miền, điều kiện kinh tế. Đối tượng trung lưu trở lên thì vẫn phải đóng học phí, còn con hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa thì được miễn.
Liên quan đến vấn đề lạm thu, Phó Thủ tướng cho rằng, việc đóng góp tự nguyện theo hình thức xã hội hóa, tài trợ trong các trường học là cần thiết, khuyến khích, tuy nhiên, phải thực sự trên tinh thần tự nguyện, tự giác của phụ huynh.
Những ý kiến đóng góp của cử tri sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, trình Ban dự thảo luật của Quốc hội điều chỉnh phù hợp.
Theo baohatinh.vn