TPP: Cơ hội nhìn từ các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam (Kỳ 1)
- Thứ hai - 22/06/2015 03:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tính đến nay, TPP đã trải qua 19 Vòng đàm phán chính thức, 4 Phiên họp cấp Bộ trưởng thương mại và hàng chục vòng đàm phán không chính thức cấp kỹ thuật hoặc cấp Trưởng Đoàn đàm phán. Bên cạnh đó là một số lượng rất lớn cuộc gặp, đàm phán song phương giữa các cặp đối tác trong TPP (ví dụ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản về vấn đề nông nghiệp, ô tô; giữa Hoa Kỳ với VN về vấn đề mở cửa thị trường, dệt may, giầy dép, lao động…) về những vấn đề thuộc quan tâm riêng của các cặp đối tác hoặc những nội dung được thỏa thuận là không đàm phán chung.
So với nhiều đàm phán thương mại tự do khác thì số lượng các vòng đàm phán và thời gian đàm phán của TPP lớn hơn một cách đáng kể. Thậm chí, kể từ vòng đàm phán thứ 19 (tháng 9/2014) tại Singapore, các nước TPP đã không còn đặt tên (theo số thứ tự) cho các vòng đàm phán nữa. Ngoài ra, trong đàm phán TPP có những hình thức đàm phán đặc thù riêng có, ví dụ các phiên họp cấp Bộ trưởng để bàn về những vấn đề không thể quyết được ở cấp kỹ thuật mà cần các định hướng chính trị lớn hơn.
Có nhiều lý do để suy đoán rằng dường như các nước TPP đều đang rất nỗ lực để kết thúc cơ bản đàm phán TPP càng sớm càng tốt trong năm 2015 và các cuộc đàm phán cuối tháng 5/2015 có tính chất quan trọng đặc biệt:
Thứ nhất, với một số đối tác quan trọng trong TPP, đây là thời điểm tốt nhất để kết thúc TPP. Cụ thể, với Hoa Kỳ, một trong những nước “cầm trịch” trong đàm phán TPP, chính trường Hoa Kỳ trong giai đoạn này được xem là lý tưởng nhất để kết thúc TPP với một chính quyền Obama vốn coi TPP là “hòn đá tảng” trong chính sách kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược hướng Đông của mình và một Đảng chiếm đa số (Đảng Cộng hòa) vốn ủng hộ mở rộng tự do thương mại. Hơn thế nữa, nếu để sang năm sau, khi Hoa Kỳ bước vào giai đoạn chuẩn bị vận động cho bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới, tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều bởi mọi nội dung trong đàm phán TPP đều có thể sẽ được sử dụng như các công cụ để tranh cử và việc tìm được điểm chung để thống nhất kết thúc đàm phán khó khăn hơn nhiều lần.
Ngoài ra, trong giai đoạn bầu cử tổng thống, việc đàm phán các FTA như TPP sẽ không còn nằm trong danh sách ưu tiên của các Đảng nữa, và vì vậy việc hoàn tất đàm phán sẽ càng không dễ dàng. Với Nhật Bản, một đối tác quan trọng khác của TPP, thời điểm này cũng được cho là thuận lợi nhất, sau khi Đảng của Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử trong cuộc bầu cử vừa rồi và do đó định hướng tự do thương mại của Đảng này có thể là cú hích tốt cho việc kết thúc đàm phán.
Thứ hai, về mặt nội dung, theo những nguồn tin đáng tin cậy, dường như sau nhiều nỗ lực ở các cấp khác nhau, các nước TPP đang thu hẹp được khoảng cách trong nhiều vấn đề được cho là căng thẳng nhất trong đàm phán.
Theo thông tin từ một quan chức đàm phán của Australia thì đã có 9/30 Chương trong TPP kết thúc đàm phán, đó là: cạnh tranh và tạo thuận lợi kinh doanh, hợp tác và xây dựng năng lực, thương mại dịch vụ qua biên giới, hải quan, phát triển, hài hòa pháp lý, DNNVV, truyền thông, và tạm nhập. Còn theo phát ngôn của một quan chức thương mại Hoa Kỳ hồi đầu tháng 4/2015 thì đàm phán TPP đã hoàn thành hầu hết các nội dung, ngoại trừ một số nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ, và vấn đề tiếp cận thị trường trong một số chương như đầu tư, DN nhà nước, và mua sắm công.
Thời điểm này cũng là rất quan trọng để các bên trong đàm phán TPP, trong đó có VN, chốt lại các phương án đàm phán của mình về các lĩnh vực còn vướng mắc và qua đó có thể có quyết định dứt khoát hơn cho giai đoạn được cho là có ý nghĩa quyết định trong đàm phán TPP tới đây.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu VEPR, VN là nước hưởng lợi nhiều về mức tăng GDP thực tế và tổng phúc lợi (tính theo phần trăm thay đổi) sau khi tham gia TPP. Các tác động kinh tế từ việc tham gia TPP cho thấy, hàng rào thuế quan đối với hàng hóa sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn và các hàng rào phi thuế quan sẽ được cắt giảm nhằm thuận lợi hóa thương mại. TPP được kỳ vọng tự do hóa không chỉ đối với hàng hóa, dịch vụ mà còn với đầu tư và dịch chuyển lao động.
Kỳ II: Dệt may và các cuộc đàm phán riêng
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp