Tái canh càphê: Doanh nghiệp bỏ ngỏ trách nhiệm
- Thứ tư - 22/05/2013 21:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ câu chuyện DN FDI…
Còn nhớ, trong mùa càphê năm 2011, khi giá cáphê lên cao kỷ lục, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cường mua nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên. Chỉ trong một thời gian ngắn, 6 DN FDI đóng tại Đắk Lắk và Lâm Đồng đã mua gom tới hơn 60% sản lượng càphê. Lúc này, đại diện các DN xuất khẩu (XK) càphê trong nước, Hiệp hội Càphê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã có văn bản kiến nghị với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua nguyên liệu của các DN nước ngoài. Trong đó, Vicofa cho rằng, việc các DN nước ngoài tổ chức đại lý (ĐL) thu mua càphê trực tiếp trong dân là vi phạm Thông tư số 09/2007/TT-BTM do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ban hành. Theo thông tư này, DN FDI không được phép lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu mà chỉ có thể mua hàng thông qua cơ sở kinh doanh của thương nhân người Việt có tư cách pháp nhân.
Vicofa nhấn mạnh, việc các DN nước ngoài lập ĐL thu mua càphê trực tiếp trong dân là thiếu công bằng, vì họ chỉ “nhảy dù vào vùng nguyên liệu” chứ không đầu tư, hỗ trợ gì cho người dân trong việc trồng và chăm sóc vườn cây. Nếu không xử lý kịp thời thì ngành càphê sẽ bị DN ngoại thâu tóm vì tiềm lực tài chính của họ mạnh, sẽ đè bẹp DN XK trong nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tăng cường mua gom nguyên liệu của DN FDI không hoàn toàn chỉ có tác động tiêu cực như ý kiến của Vicofa. Bởi hồi cuối năm 2010 đầu năm 2011, khi DN FDI mở rộng thu mua càphê, giá mặt hàng này nhanh chóng tăng lên 35.000 - 37.000 đồng/kg (trước đó chỉ khoảng 27.000 - 29.000 đồng/kg). Các ĐL tư nhân tranh thủ mua gom hàng hoá trong dân với giá cao để bán cho DN nước ngoài, khiến thị trường càphê trở nên sôi động và cạnh tranh mạnh mẽ, hầu hết người dân đều đồng tình, phấn khởi vì họ vừa được các ĐL chốt giá mua cao hơn các năm trước, vừa được thanh toán nhanh chóng.
Như vậy, có thể thấy việc DN FDI đẩy mạnh tham gia thu mua càphê thông qua các ĐL là một hoạt động tích cực đối với thị trường càphê trong nước. Vấn đề ở đây là ai đầu tư nguyên liệu thì người ấy được ưu tiên mua.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện cả nước có khoảng 570.000ha càphê, trong đó chỉ có khoảng 10-15% diện tích thuộc nông trường quốc doanh hoặc DN Trung ương và địa phương, còn lại 85-90% thuộc hộ nông dân, chủ trang trại. Tại Đắk Lắk, nơi trồng nhiều càphê nhất Việt Nam với gần 200.000ha, thì cũng chỉ có 15% diện tích nằm trong vùng nguyên liệu của DN, số còn lại là của hơn 189.500 nông hộ.
Điều này cho thấy, việc Vicofa vin vào lý do “không đầu tư cho vùng nguyên liệu” để hạn chế DN FDI đẩy mạnh thu mua càphê chỉ là một cách nói nhằm giảm áp lực tranh mua của các DN trong nước, chứ không phải là tính cho lợi ích của nông dân. Chưa kể vài năm gần đây, một số DN FDI như Nestlé, Dakman… đã bắt đầu chú trọng liên kết với bà con để trồng hàng trăm ngàn hecta càphê theo tiêu chuẩn sạch. Nếu không cho phép họ thu mua càphê trực tiếp từ trong dân thì sự thiếu công bằng thực tế lại nghiêng về phía nông dân và DN ngoại.
Quá trình tái canh càphê đang thiếu sự liên kết giữa DN và nông dân. |
Gói hỗ trợ vốn trẻ hoá vùng nguyên liệu: không hiệu quả
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, hiện hơn 50% diện tích càphê của nông dân đã quá 15 năm tuổi, cho năng suất thấp; trong khi đó, ở Lâm Đồng, thống kê năm 2012 cũng cho thấy, có tới hơn 40.000ha càphê độ tuổi từ 15-30 năm (chiếm trên 27% tổng diện tích càphê của tỉnh) cần được tái canh.
Cái khó nhất của việc tái canh, trẻ hoá vườn càphê hiện nay chính là thiếu vốn. Để trồng mới 1ha càphê, người dân sẽ phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng, gồm tiền giống, phân bón, chi phí cải tạo đất và chuyển giao kỹ thuật công nghệ. Chưa nói đến việc xoay xở thế nào để có 100 triệu đồng tái canh, mà điều quan trọng hiện nay chính là việc tái canh sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Với lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha/năm từ vườn càphê, nếu tính trung bình mỗi nông hộ có 5 khẩu thì mỗi tháng, thu nhập của 1 người trồng càphê chỉ đạt 500.000 đồng. Để trẻ hoá vườn càphê, ít nhất phải 3-4 năm sau mới có thu hoạch. Như vậy, trong vòng 3-4 năm đợi cây càphê lớn, các hộ dân không có thu nhập để duy trì cuộc sống.
Trong các hội thảo của ngành nông nghiệp nhằm tìm kiếm giải pháp tái canh càphê hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, để tái canh, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, tăng cường liên kết giữa DN XK càphê với nông dân. Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Vicofa cho rằng, để tránh tình trạng sản lượng càphê sụt giảm trong quá trình tái canh, các địa phương cần tập hợp các hộ trồng càphê nhỏ lẻ lại thành HTX, với diện tích khoảng vài chục hecta, sau đó chia vùng tiến hành tái canh thành nhiều đợt, đồng thời kết hợp với các DN XK càphê tại địa phương để giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Lý thuyết thì có vẻ ổn nhưng trên thực tế, để làm được việc này không đơn giản. Trong vài năm gần đây, hầu hết các HTX nông nghiệp đều lâm vào hoàn cảnh chung là thiếu vốn để hoạt động và không thể giải quyết được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trong khi đó, ít có DN dám lăn xả vào cùng nông dân để đầu tư vùng nguyên liệu.
Hiện, ở ngành càphê, DN chủ yếu mua nguyên liệu thông qua thương lái và ĐL, rất hiếm DN liên kết với nông dân để xây dựng vùng càphê sạch. Tuy nhiên, do giá thu mua càphê sạch không cao hơn mấy so với giá thị trường, quy trình trồng và chăm sóc lại đòi hỏi cao nên đến nay, đa số người dân không còn hứng thú với những mô hình liên kết này nữa.
Như vậy, giữa DN kinh doanh càphê với người nông dân hiện nay không có mối liên hệ ràng buộc nào chặt chẽ. Hầu hết DN chỉ tập trung vào thu mua chế biến XK, chứ chưa có sự đầu tư thoả đáng đối với vùng nguyên liệu trong dân. Ngay cả khi Vicofa tổ chức thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành hàng càphê (từ tháng 12/2011), với mục đích thu 2 USD/tấn càphê XK từ các DN thành viên để chi cho việc tái canh và nâng cao chất lượng càphê, nhưng đến nay, nhiều DN từ chối khoản phí này vì cho rằng “sẽ tạo ra sân chơi không bình đẳng” (do DN ngoài Vicofa không phải đóng phí).
Thiết nghĩ, nếu không có những ràng buộc cụ thể về trách nhiệm của DN đối với việc duy trì, phát triển vùng nguyên liệu thì câu chuyện tái canh sẽ còn tiếp tục là bài toán khó giải. Và một khi năng suất càphê sụt giảm, chất lượng hạt kém đi, sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khôn lường…
Minh Tuấn (kinhtenongthon.com.vn)