Tái cơ cấu cây trồng chủ lực vùng Tây Nguyên: Cần giải pháp kỹ thuật thuật đồng bộ
- Thứ sáu - 03/05/2019 10:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các giống cà phê mới của WASI có năng suất cao, kháng bệnh gỉ sắt (Ảnh: Huỳnh Kim). |
Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), để giải bài toán tái cơ cấu cây phê cần phải triển khai nhiều biện pháp căn cơ, đồng bộ, lấy khoa học kỹ thuật làm nòng cốt.
Theo TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, trước thực trạng canh tác cà phê còn nhiều bất cập, trong những năm qua WASI đã có nhiều công trình nghiên cứu với nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ đưa ra từ cây giống, cải tạo đất đến thu hoạch... để tái cơ cấu cây cà phê phát triển bền vững.
Thứ nhất, các tỉnh Tây Nguyên phải có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất cà phê, bởi từ trước đến nay cây cà phê ồ ạt mở rộng diện tích chủ yếu do người dân tự phát, nhiều diện tích trồng không có hiệu quả do thiếu nước tưới trong mùa khô, đất trồng không phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Theo đó tuyệt đối không trồng cà phê trên các diện tích thiếu nước tưới, độ dốc cao, tầng đất quá mỏng, đá lộ đầu. Đặc biệt các tỉnh phải có chương trình giám sát quy hoạch và chế tài xử lý làm sai quy hoạch.
Thứ hai là tái canh cà phê có hiệu quả. Theo TS Trần Vinh, hiện nay quy trình tái canh đã được hoàn thiện và phổ biến rộng rãi trong sản xuất. Để tái canh hiệu quả thì người sản xuất phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của quy trình tái canh, ngoài ra phải có nguồn vốn lớn, hiện nay mỗi hecta cà phê tái canh hết 200 triệu đồng cho giai đoạn kiến thiết cơ bản trong 3 năm đầu. Bên cạnh đó là nguồn cây giống chất lượng.
Hiện nay WASI được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT đã xây dựng được cơ sở sản xuất hạt giống cà phê chất lượng tốt đảm bảo cung cấp đủ cho cả nước để trồng lại trên các diện tích cà phê tái canh hoặc trồng mới với các giống cà phê mới tuyển chọn như TR4, TR5, TR6, TR9, TR11, TR12, TRS1, các giống này cho năng suất cao trên 5 tấn nhân/ha, cỡ hạt lớn, kháng cao với bệnh gỉ sắt. Các cơ quan quản lý cần phải giám sát chặt các cơ sở sản xuất giống cà phê nhằm đảm bảo cây giống được đưa ra thị trường có chất lượng. Như vậy, mục tiêu đến năm 2020 có 70% diện tích cà phê tái canh được trồng bằng các giống cà phê chọn lọc là hoàn toàn khả thi.
Thứ ba là bảo vệ nguồn nước mặt và sử dụng tiết kiệm nước để tưới cho cà phê trong mùa khô. Với lượng mưa hàng năm của các tỉnh Tây Nguyên từ 1.800 - 2.000mm, lượng mưa này không phải là ít nhưng thực tế vẫn thiếu nước trong mùa khô, nguyên nhân do chưa giữ được nước mặt, lượng mưa nhiều nhưng đổ ra sông ra biển hết. Do vậy ngoài đầu tư xây dựng các hồ chứa nước thì phải tăng cường trồng rừng để tăng độ che phủ.
Cùng với đó, phải tuyên truyền sâu rộng để người dân sử dụng tiết kiệm nước, không tưới lãng phí cũng là biện pháp đảm bảo lượng nước tưới cho cây trồng và duy trì lượng nước mặt và nước ngầm trong mùa khô Tây Nguyên. Cà phê là cây trồng có nhu cầu sử dụng nước trong mùa khô từ 1,5 - 2,0 m3/cây nhưng thực chất nếu tưới tiết kiệm 20% lượng nước này thì cây vẫn đảm bảo ra hoa đậu quả và sinh trưởng bình thường.
Ở những vùng thiếu nước, vùng đất dốc người dân nên sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước thì mới đảm bảo. Sử dụng nước hợp lý là một yêu cầu cần thiết trong thời gian tới để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Đồng thời với giải pháp giảm tưới nước, một biện pháp khác là sử dụng các giống cà phê có nhu cầu nước thấp. Hiện WASI đã có các giống cà phê chín muộn có thể giảm 1 lần tưới trong mùa khô. Các giống này phù hợp ở những vùng có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước và góp phần chuyển dịch mùa vụ thu hoạch cà phê sang đầu mùa khô để thuận lợi cho phơi sấy, chế biến và phân bổ lại lao động thời vụ.
Giống cà phê mới của WASI |
Thứ tư cần đẩy mạnh phương thức trồng xen. Đây là phương án nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đồng thời làm cây che bóng cho cà phê. Theo TS Trần Vinh, phần lớn diện tích cà phê ở Tây Nguyên được trồng từ những năm 1990 - 2000, do đó cà phê đang ở trong giai đoạn già cỗi và bắt đầu già cỗi, cho năng suất thấp (dưới 2 tấn nhân/ha). Với thời giá hiện tại (dưới 35.000 đồng/kg) thì mỗi hecta cà phê cho thu dưới 60 triệu đồng, trừ chi phí thì lợi nhuận trung bình chỉ từ 20 - 30 triệu đồng, thậm chí nhiều vườn thua lỗ do năng suất quá thấp. Do vậy để giải quyết bài toán thu nhập trên vườn cà phê thì không gì khác là phải trồng xen bằng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất trồng cà phê như cây sầu riêng, cây bơ...
Thực tế nhiều vườn cà phê ở Tây Nguyên đã được trồng xen bơ, sầu riêng cho thu từ 300 - 500 triệu đồng/ha, trong đó thu nhập từ cây trồng xen chiếm 70 - 80% tổng thu. Không những thế vườn cà phê được trồng xen cây ăn quả sẽ tạo được độ che phủ thích hợp che chắn cho cây cà phê do bản thân cà phê là cây ưa ánh sáng tán xạ, từ đó làm cho đất giữ ẩm tốt hơn, lâu khô hơn và lượng nước tưới cũng ít hơn.
“Trồng cây che bóng rất có lợi về kinh tế lẫn môi trường, đây là phương thức canh tác bền vững cần phải áp dụng rộng rãi ở Tây Nguyên", TS Trần Vinh khẳng định.
Biện pháp thứ năm đó là đẩy mạnh sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra. Hầu hết diện tích cà phê ở Tây Nguyên được sở hữu bởi các hộ gia đình có qui mô nhỏ từ 0,5 - 1ha. Để tập trung đầu tư thâm canh theo hướng bền vững thì phải hình thành các nhóm liên kết và có sự phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để được chứng nhận người dân sẽ có lợi nhuận nhiều hơn và vườn cây bền vững hơn.
Đến nay diện tích sản xuất cà phê có chứng nhận tại Tây Nguyên chiếm khoảng 30% với 50% sản lượng. Các loại hình sản xuất cà phê có chứng nhận, kiểm tra gồm sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ, 4C; một số ít theo chứng nhận Rainforest Alliance (Liên minh rừng mưa, RFA) và Fairtrade (Thương mại công bằng, FLO) VietGAP... Nếu tăng diện tích cà phê có chứng nhận, kiểm tra thì người dân sẽ có lợi nhuận nhiều hơn và vườn cây phát triển bền vững hơn. |