Tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp bách
- Thứ tư - 05/11/2014 21:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành diện tích tự nhiên hơn 4 triệu ha chiếm 12% cả nước. Trong đó có 3,8 triệu ha đất nông nghiệp.
Hội thảo Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL |
Hàng năm vùng này đóng góp cho cả nước 40,7% giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp, 53,4% sản lượng lúa (90% sản lượng gạo xuất khẩu), 70% sản lượng trái cây, 68,7% sản lượng thủy sản, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn nhiều hạn chế: chất lượng chưa đồng đều, chưa xây dựng được hình ảnh, thương hiệu trên thế giới, chủ yếu là xuất hàng thô, chi phí sản xuất cao, xúc tiến thương mại yếu...tất cả những yếu kém trên đã làm cho giá trị gia tăng trên các mặt hàng nông sản đạt thấp, thu nhập của người nông dân và cả chuỗi sản xuất chưa cao.
Mặt khác, theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì vùng ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tác động tiêu cực đến môi trường như giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất, đe dọa tính bền vững trong sản xuất của cả vùng.
Do đó vấn đề tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững là yêu cầu cấp bách đặt ra cho cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng thực hiện của người dân.
Quy hoạch lại sản xuất theo vùng, tái cấu trúc sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, đồng đều; rà soát, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, tập trung nghiên cứu khoa học, cải tạo giống cây trồng vật nuôi, thí điểm xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng vụ kinh tế, Ban chỉ đạo Tây nam bộ, 13 tỉnh thành có 13 đề án về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhưng tính liên kết vùng còn mờ nhạt chưa phát huy được thế mạnh tổng hợp.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân: Nông dân Việt Nam tự do nhất thế giới, muốn trồng gì thì trồng, 70% đầu vào của cây lúa phải nhập khẩu. Suốt thời gian dài chuyên trồng lúa tài nguyên bị suy giảm, đất đai bị bạc màu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng là chủ trương đúng, tuy nhiên do đất trồng lúa bị mất cấu trúc khi khô đất nứt nẻ thì cây màu khó đạt năng suất cao, do đó cần phải có sự quy hoạch và lựa chọn cây trồng phù hợp.
GS.TS Xuân cho rằng bên cạnh việc tái cơ cấu sản xuất cũng cần tập trung chế biến sâu để nâng cao chuỗi giá trị. Chẳng hạn như thu hoạch lúa xong thì phải tận dụng rơm, rạ để sản xuất ra sản phẩm khác, khi xay xát lúa gạo thì tận dụng phụ phẩm như cám, trấu để trích ly dầu, chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, chất đốt...
Bộ trưởng Bộ NN và PTNN Cao Đức Phát, đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội thảo và khẳng định: tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, tuy nhiên cũng cần phải có sự nghiên cứu cẩn thận, không phải chỉ trồng cây khác, nuôi con khác là đã hoàn tất chuyển đổi mà cần nỗ lực phát triển công nghệ chế biến sâu đa dạng sản phẩm, tìm kiếm thị trường nâng cao chất lượng hàng hóa, giá trị gia tăng cho sản phẩm nâng cao thu nhập cho chuỗi sản xuất và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân.
Nguồn: baodautu.vn