Để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm, nhất là khi cây thuốc trong Vườn Quốc gia Tam Đảo đã cạn kiệt, người dân nơi đây đã trồng ở vườn nhà, vườn đồi.
Lưu giữ cây thuốc trong vườn nhà
Ông Lý Văn Thuỷ, dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù,cho biết, hàng chục năm trước, trước nguy cơ cây thuốc trên rừng ngày càng cạn kiệt, ông đã trồng ở vườn nhà, vườn đồi. Hiện, ông có 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) vườn và 2ha ở trên đồi (đang quy hoạch lại), với đủ loại cây thuốc quý, từ vài tháng tuổi đến vài chục năm, do ông liên tục trồng bổ sung.
Mới đây, tháng 8/2018, ông đã bổ sung 100 gốc sâm Ngọc Linh, do Viện Nghiên cứu Dược liệu Trung ương gửi trồng, để thử nghiệm xem sâm này có thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng Tam Đảo không.
Đặc biệt, xưa kia rừng Tam Đảo có cây khôi nhung, tuổi thọ 30 – 50 năm, là cây cổ thụ, dùng để chữa những căn bệnh phổ biến và nan y như dạ dày, khớp. Đến mùa, cây rụng hạt, năm sau lại mọc cây mới, người dân chỉ việc lên rừng cạo vỏ cây (nếu chữa bệnh khớp); hoặc hái lá để chữa bệnh dạ dày, nhưng nay không còn nữa. Vì vậy, phải giâm cành, tuổi thọ ngắn (chỉ 3 năm), kể cả Viện Dược liệu Trung ương cũng giâm cành, vì không đâu còn hạt. Năm 2019, ông Thuỷ phải trồng lại, vì năm 2018, hạn hán nặng, chết cả vườn khôi nhung, trên 2 sào.
Ngoài ra, ông Thuỷ còn thường xuyên bổ sung những cây thuốc quý trong vườn như: Náng hoa trắng, chữa u tiền liệt tuyến ở nam giới; cây chi tử, chữa bệnh gan; cây sâm trâu (giống riêng có của Tam Đảo), chữa bệnh thận rất tốt.
“Để phủ kín 3 sào vườn và 2ha đồi bằng cây thuốc Nam, còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, phải quy hoạch lại, mỗi cây thuốc quý, chủ lực, phải trồng vài sào. Ngoài ra còn bổ sung: dây thìa canh, chữa bệnh tiểu đường; cây nghệ độc (nghệ trắng, chỉ có 1 củ duy nhất), lấy từ rừng Tam Đảo, được lưu giữ 4 đời nay ở gia đình ông, dùng để chữa bệnh dạ dày, và một số cây thuốc quý hiếm khác. Đặc biệt, thời gian gần đây, các bệnh viện nhập dược liệu phơi khô ngày càng nhiều, nên phải chủ động nguyên liệu. Đồng thời, phải tính toán kỹ, cây trồng ở vườn đồi, vườn nhà, trước khi quy hoạch…”, ông Thuỷ chia sẻ.
60% lượng thuốc Nam được dùng chữa bệnh
Ông Thuỷ cho biết thêm, vài năm trở lại đây, ông mở rộng diện tích, trồng nhiều loại cây thuốc quý vì Bệnh viện 198 Bộ Công an thường mua sản phẩm thô để tự chế biến làm cao. Năm 2018, đơn vị này đã nhập 3 tạ dây thìa canh, giá 50.000 đồng/kg; cây náng hoa trắng, cũng nhập với số lượng lớn, giá 200.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, do người dùng cao thuốc Nam ngày càng nhiều, nên ông Thuỷ đã nâng cấp lò nấu thuốc theo công nghệ mới, sản xuất nhàn hơn và chất lượng đảm bảo hơn. Nếu như trước đây, nấu cao, cô đặc cao bằng nồi nhôm (thời gian nấu 1 ngày đêm/mẻ) thì nay cô đặc cao bằng nồi gang, do nhiệt độ lúc này lên đến hàng trăm độ, nên cô bằng nồi gang tốt hơn.
Hiện, 1 năm gia đình ông bán ra 2 – 3 tạ cao thuốc Nam, chủ yếu chữa các bệnh như: Dạ dày, xương khớp, ho hen, bổ thần kinh… Mỗi lạng cao giá 150.000 đồng, người bệnh phải dùng 4 lạng/tháng, tương đương 600.000 đồng, và phải dùng trong 3 tháng liền, mới có hiệu quả. Trung bình, mỗi ngày có 1 – 2 bệnh nhân, từ mọi miền đất nước, đến chữa bệnh. Nếu bệnh bình thường thì cắt thuốc về nhà chữa trị; bệnh nhẹ, phải điều trị vài ngày, 1 tuần; nặng thì 2 tuần, 1 tháng nên gia đình đã dành 1 - 2 gian nhà nhỏ để bệnh nhân cư trú theo yêu cầu.
Đặc biệt, mùa sởi, thuỷ đậu năm 2018, ông Thuỷ đã chữa bệnh cho khoảng 1.000 cháu bé, mỗi cháu chỉ phải chi phí 30.000 đồng, sau đó lấy thuốc về nhà tắm là khỏi bệnh.
Đáng ghi nhận là, không những người dân chữa bệnh bằng thuốc Nam ở Tam Đảo ngày càng đông, mà tại Bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc, cũng tăng nhanh. Tính từ năm 2010 đến nay, số bệnh nhân tăng hàng năm 10%.
Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc, bà Hà Thị Minh Hạnh, cho biết: “Cần phải hiểu rõ, thuốc Đông y có 2 loại: vị thuốc Nam, và vị thuốc Bắc. Trong đó, thuốc Bắc hoàn toàn của Trung Quốc. Hiện, bệnh viện đang sử dụng 60% khối lượng vị thuốc Nam, và 40% khối lượng vị thuốc Bắc, để chữa bệnh cho nhân dân. Theo đó, các nguồn dược liệu Bệnh viện sử dụng được đấu thầu theo luật. Có sự tham gia, giám sát của Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Mặt khác, phải thông qua quy định của pháp luật và đúng quy định, mới được chi trả bảo hiểm.
Đặc biệt, thuốc đưa vào Bệnh viện phải đạt chuẩn của WHO. Hiện, có 3 đơn vị đang tham gia đấu thầu với Bệnh viện, đó là: Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam; Công ty cổ phần Dược liệu Thành Phát; Công ty cổ phần Dược liệu Trường Xuân. Nhìn chung, bước đầu được người bệnh đánh giá tốt”.
Mặt khác, cây thuốc Nam ở Tam Đảo chất lượng tốt, do khí hậu, thổ nhưỡng ở đây thích hợp; bà con trồng, hoặc thu hái tự nhiên trên núi Tam Đảo đều như nhau. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, Tam Đảo chưa hình thành được những dự án quy mô lớn.
Cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành
Xung quanh vấn đề chữa bệnh bằng thuốc Nam, Chủ tịch Hội Đông y Tam Đảo, ông Hoàng Văn Thạch, cho biết: “Hội có 115 người, trong đó, có 40 người sản xuất cây thuốc Nam và chữa bệnh như ông Thuỷ. Còn lại là bà con trồng và thu hái cây dược liệu, bán cho Nhà nước, cung cấp cho những hộ nấu cao. Hiện, người giỏi bốc thuốc chữa bệnh cao niên của Tam Đảo còn 2 cụ ở xã Hồ Sơn. Bà con quen gọi là cụ Lang Phương và cụ Lang Tài, nay đã trên 80 tuổi, vẫn tham gia bốc thuốc chữa bệnh cho người dân rất nhiệt tình”.
Ngoài ra, ông Thạch còn cho biết, so với thời bao cấp, ngành thuốc Nam phát triển như ngày nay là rất mạnh. Do bà con tự thân vận động, họ sống được nhờ tài năng, tâm huyết và tự đóng góp công sức của mình để duy trì và phát triển Hội. Đồng thời, có thể khẳng định, lực lượng chữa bệnh cho nhân dân bằng thuốc Nam ở Tam Đảo ngày càng đông, đem lại hiệu quả tích cực.
Được biết, Hội Đông y Tam Đảo đang phát động phong trào nuôi trồng dược liệu sạch, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu bón phân hữu cơ, phân chuồng, thu hái tự nhiên. Đặc biệt, các hội viên đã mở được nhiều phòng khám hơn, bình quân 10 - 15m2/phòng, trang bị đầy đủ dụng cụ y tế như: dao thái thuốc, tủ thuốc, bàn khám bệnh. Nhờ kinh tế khá giả, nhiều hộ đã sắm được máy thái thuốc, đỡ vất vả và đảm bảo chất lượng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Trì, cho biết: “Để thực hiện mục tiêu phát triển cây dược liệu, thời gian qua, Tam Đảo đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là hạt nhân quan trọng để hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn. Trước mắt, có khoảng 40ha, gồm các loại chủ yếu như: Ba kích, đinh lăng, trà hoa vàng... được trồng ở hầu hết các địa phương trong huyện, song, chủ yếu ở 3 xã Đạo Trù, Đại Đình, Tam Quan. Đặc biệt, 2 năm gần đây, diện tích trồng dược liệu tăng nhanh, nhất là trà hoa vàng, ba kích. Nhiều gia đình đã đầu tư trồng dược liệu tập trung, quy mô 1-3ha.
Nguồn lợi do dược liệu đem lại cao hơn 7 -10 lần so với trồng lúa, hoặc một số cây trồng khác. Mặt khác, phát triển dược liệu để tự cân đối, đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bằng thuốc Nam cho nhân dân”.
Theo ông Trì, Tam Đảo hiện có khoảng 20 vườn ươm cây giống các loại; trong đó có 5-7 vườn ươm tập trung nhiều loại dược liệu. Một số giống dược liệu quý đang được phát triển như: Hà thủ ô đỏ, ba kích, hoài sơn, cát xâm, khôi nhung, kim tuyến, trà hoa vàng các loại… Song, việc phát triển cây dược liệu còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, sản xuất chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tốc độ phát triển chậm, chưa tạo thành vùng thị trường hàng hóa.
Vì vậy, để cây dược liệu Tam Đảo và ngành Đông y Vĩnh Phúc phát triển xứng tầm, thời gian tới, tỉnh sẽ có kế hoạch khai thác triệt để diện tích đồi rừng, đất hoang hoá, khả năng canh tác và hiệu quả kinh tế thấp. Quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung. Liên kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định nguồn cung dược liệu. Đặc biệt, sẽ sản xuất một số dược liệu đặc trưng của Tam Đảo.