Tam Nông từng bước nâng cao chất lượng hạt gạo

Tam Nông từng bước nâng cao chất lượng hạt gạo
Tam Nông là huyện nông nghiệp thuộc vùng kinh tế phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp, có hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện cho lưu thông hàng hóa. Kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, trong đó nông nghiệp chiếm 75% GDP toàn huyện, diện tích sản xuất lúa hàng năm là 88.800ha, năng suất bình quân 60,5 tạ/ha, sản lượng đạt trên 416.240 tấn/năm.

Thời gian qua, việc sản xuất lúa được thực hiện theo lịch thời vụ cụ thể, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) nên năng suất đều tăng, giống đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 75% diện tích toàn huyện. Toàn huyện có 1.390 máy gặt đập liên hợp, 117 máy cắt xếp dãy, 143 lò sấy các loại, 1.940 máy sạ hàng, diện tích lúa sản xuất được phục vụ bằng trạm bơm điện chiếm 70%. Đến nay, toàn huyện có 31 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trên 5.000 xã viên, tổ chức sản xuất trên 10.000ha chiếm khoảng 36% diện tích sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện.

Để nâng cao chất lượng gạo, huyện xác định cần đáp ứng được quy trình sản xuất lúa theo hướng hiện đại và các vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng theo nhu cầu xuất khẩu. Trong năm 2012, huyện đã triển khai cánh đồng mẫu lớn tại 2 HTX Phú Bình và Tân Tiến (xã Phú Đức) với diện tích 1.100ha, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hiện đại để hình thành vùng nguyên liệu nông sản có chất lượng cao và hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong việc tổ chức thu mua lúa hàng hóa.

Cánh đồng mẫu lớn này đã được Công ty TNHH XNKTM Võ Thị Thu Hà bao tiêu liên kết với giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg. Qua 3 vụ thực hiện (vụ hè thu 400ha, vụ thu đông 700ha và vụ đông xuân 2013 là 1.100ha) xã viên được Công ty bao tiêu gần 14.000 tấn lúa. Nhờ đó, nâng cao thu nhập cho bà con xã viên lên gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, sản lượng lúa hàng năm của huyện tuy có tăng nhưng vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, đáng chú ý là việc áp dụng tiến bộ KHKT của người dân còn hạn chế, sản xuất lúa còn mang tính manh mún, thiếu tập trung, cơ cấu giống còn đa dạng... dẫn đến vùng nguyên liệu sản xuất lúa chưa đảm bảo, thiếu tính cạnh tranh, chưa gắn kết chặt chẽ 4 nhà, quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hầu hết đều qua thương lái. Đặc biệt, công nghệ sau thu hoạch và hệ thống bảo quản sản phẩm chưa đồng bộ, theo tính toán và tỷ lệ thất thoát chiếm khoảng 11% (tương đương 41.000 tấn/năm).

Ông Võ Văn Na - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: Để từng bước tạo được vùng nguyên liệu ổn định, theo kế hoạch, trong năm 2013, huyện sẽ triển khai nhân rộng diện tích cánh đồng hiện đại tại 7 HTX với diện tích 7.640ha, quy hoạch vùng nguyên liệu đến năm 2020 đạt 30.000ha/năm. Song song đó, huyện sẽ quan tâm củng cố và xây dựng các HTX đủ năng lực để chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người người dân và là cầu nối tin cậy để liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

Báo Đồng Tháp Online