Tâm huyết của một kỹ sư lâm sinh
- Thứ sáu - 10/05/2013 04:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gia đình đông con, kinh tế lại khó khăn nên sau khi về quê, ông Lý làm đủ nghề để nuôi các con ăn học. Và với vốn kiến thức đã học được ở trường đại học, ông mạnh dạn trồng thử nghiệm cây keo trên cát.
Ông Lý chia sẻ: “Người dân địa phương khi thấy tôi trồng cây keo trên cát đã ra sức phản đối, bởi theo họ việc làm này là không tưởng và làm như thế sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước được dẫn về từ trên các đồi cát. Chính quyền cũng không ủng hộ tôi”. Nhưng ông trời đã không phụ công người, với những gì đã học và công lao ngày đêm chăm sóc cây trồng theo đúng kỹ thuật, vườn keo trên cát của ông đã phát triển xanh tốt. Nhờ đó, chính quyền đã đồng ý cho ông tiếp tục trồng. Đến nay, vườn cây keo trên cát của ông đã tăng lên với diện tích 70ha, phát triển tốt và là vành đai vững chắc chắn cát.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn giúp người dân trong vùng cùng thoát nghèo, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Lý đã thành lập HTX sản xuất cây giống lâm nghiệp vào năm 1999. Công việc chủ yếu của HTX là sản xuất và chăm sóc cây giống các loại. Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc gieo giống cây trồng mang lại, nhiều người dân đã tin tưởng đăng kí tham gia vào HTX.
Ông Lý đang chăm sóc vườn ươm của HTX sản xuất cây giống lâm nghiệp. |
Hiện HTX sản xuất cây giống lâm nghiệp của ông Lý có 26 xã viên, gieo giống cây các loại như: dương, tràm, cao su, keo lai, huê, xà cư... Các giống cây này được bán cho các dự án, lâm trường, công ty... mỗi năm khoảng 50 vạn cây. Từ việc tham gia gieo trồng cây giống, các xã viên đã có thu nhập ổn định 2 -2,5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, đến kỳ nghỉ hè, các em học sinh cũng có thể tham gia đóng bầu, kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ.
Từ mô hình sản xuất của cha, các con của ông Lý cũng đã tự mình mở ra các vườn ươm, mỗi năm xuất bán khoảng 20 vạn cây/gia đình, thu nhập mang lại cả trăm triệu đồng. Việc thành lập HTX sản xuất cây giống lâm nghiệp của ông Lý không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, người dân địa phương, mà nhiều người ở các vùng khác cũng đã đến đây để học hỏi kinh nghiệm từ vườn cây của ông.
Đặc biệt, thời gian gần đây, sau khi nghiên cứu và nhận thấy cây cẩm lai có thể trồng làm trụ tiêu đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao, ông Lý đã mạnh dạn thực hiện đề tài “Cây cẩm lai làm trụ tiêu”. Cây cẩm lai là loại cây gỗ lớn, có độ cao 20-25m, cuống dài 11-13cm, mang 11-23 lá chét hình trái xoan thuôn dài. Cây phát triển nhanh, chỉ sau 1 năm cây đã cao khoảng 2m, đường kính 5cm-7cm. Đặc biệt cây ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt, ít rụng lá, là loại cây họ đậu nên giữ cây tiêu được xanh tốt và không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Theo ông Lý, về khả năng kinh doanh, nếu so sánh với các loại cây trồng khác ở vùng đồi núi tỉnh ta thì cây cẩm lai là một loại cây trồng rất tốt, phù hợp với khí hậu, đất đai thổ nhưỡng ở đây. Cây cẩm lai làm trụ tiêu, lá rụng xuống không làm ô nhiễm môi trường. Gỗ cây cẩm lai càng to giá càng đắt. Sau 10 đến 30 năm, khi cây tiêu hết tuổi thọ, tàn lụi, người trồng cây có một lượng gỗ lớn hàng chục tỷ đồng.
Dựa trên những lợi ích kinh tế mà cây cẩm lai mang lại, ông Lý đã tự bỏ vốn ra đưa vào trồng thử nghiệm tại HTX của mình, đồng thời hướng dẫn cho một số bà con làm trang trại trồng thử nghiệm làm trụ tiêu. Việc thử nghiệm này đã mang lại thành công như mô hình của anh Bình, xã Trường Xuân (Quảng Ninh), anh Tuýt, xã Phú Thủy (Lệ Thủy) và nhiều hộ gia đình khác ở Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.
Đề tài này của ông Lý đã được huyện Lệ Thủy ủng hộ, hiện ông đang trình lên Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Mong ước của ông Lý là sau khi nghiệm thu đề tài trồng thực nghiệm, sẽ nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Lê Mai (baoquangbinh.vn)