Tăng cường XK các sản phẩm sau dăm gỗ
- Thứ ba - 02/04/2013 21:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
XK vẫn ổn định
Theo Bộ NN-PTNT, trong quý 1 năm nay, XK gỗ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2012. Đặc biệt, trong tháng 3, dù đã thực hiện XK gỗ sang EU theo quy chế FLEGT (DN phải giải trình nguồn gốc gỗ), nhưng giá trị XK gỗ vẫn ước đạt 448 triệu USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 30 triệu USD và chỉ thấp hơn 1 chút so với tháng 1 năm nay (488,78 triệu USD (không so với tháng 2 vì đây là tháng Tết). Như vậy, có thể thấy tình hình XK gỗ vẫn đang ổn định.
Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch HAWA, cho biết, chỉ có những DN hay lô hàng sử dụng gỗ rừng trồng trong nước là gặp đôi chút khó khăn khi giải trình nguồn gốc gỗ theo quy chế FLEGT. Còn những DN hay lô hàng sử dụng gỗ NK thì không gặp phải vấn đề gì bởi phần lớn các DN đều đã có ý thức NK gỗ từ những nước có chứng chỉ rừng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho hay, hiện nay đã không còn DN nào XK gỗ sang EU sử dụng nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, mà chủ yếu dùng gỗ NK và gỗ rừng trồng. Chính vì thế, theo nhận định của một số DN gỗ tham gia diễn đàn, quy chế FLEGT đã không ảnh hưởng nhiều tới việc XK gỗ của nước ta.
Theo HAWA, kết quả khảo sát ở các DN là thành viên của Hiệp hội này, cho thấy, các DN đều đang có đơn hàng XK gỗ trong nhiều tháng tới. Cụ thể, trong 52 DN phản hồi về HAWA thì 80,8% có đơn hàng XK đến hết quý 2; 13,5% DN có đơn hàng XK đến hết quý 3 và 5,8% DN có đơn hàng XK đến hết năm nay.
Chế biến gỗ ở Bình Dương
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, trong năm nay, việc sản xuất, XK gỗ có thể tiếp tục gặp những khó khăn như nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, DN khó tiếp cận vốn, lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng vẫn cao. Nhưng ngành gỗ phải tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định về XK. Năm nay, ngành gỗ phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10-15% để đạt giá trị 5,5 tỷ USD. Đồng thời các DN phải chú trọng đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, ngành gỗ phải đi sâu và chế biến, XK các sản phẩm sau dăm gỗ. Bởi hiện nay, việc XK dăm gỗ quá nhiều đang làm hạn chế hiệu quả kinh tế của ngành gỗ. Để XK 5,5 triệu m3 dăm gỗ, ngành gỗ đã ngốn tới 11 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, giá trị XK dăm gỗ lại khá khiêm tốn, chỉ chưa tới 700 triệu USD. Giá dăm gỗ XK lại không thể đẩy lên được. Hiện tại, chưa thể đánh thuế ngay vào dăm gỗ XK vì như thế sẽ ảnh hưởng ngay tới người trồng rừng, do DN sẽ trừ cái thuế đó vào giá thu mua gỗ nguyên liệu. Nhưng phải có những chính sách khuyến khích phát triển chế biến gỗ sau dăm để hạn chế XK dăm gỗ, và xa hơn là tiến tới đánh thuế vào dăm gỗ XK.
Sẽ tạm ngưng khai thác gỗ rừng tự nhiên
Nếu như những năm trước đây, ngành gỗ phụ thuộc quá nhiều vào gỗ nguyên liệu NK, thì hiện nay, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Theo khảo sát của HAWA ở 47 DN hội viên, trong tổng khối lượng gỗ nguyên liệu mà các DN này đang sử dụng, có 33,4% là NK và 66,6% còn lại từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước. Ván nhân tạo NK hiện cũng chỉ chiếm 22,7%, còn 77,3% là ván nhân tạo nội địa.
Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, ở nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ XK, nguồn nguyên liệu nội địa cũng không còn quá lép vế như trước đây. Trong năm 2012, để làm các sản phẩm đồ gỗ XK, các DN đã sử dụng khoảng 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó, gỗ NK là 4 triệu m3 (chiếm 66%), gỗ cao su và gỗ rừng trồng trong nước là 2 triệu m2 (34%). Riêng 11 triệu m3 gỗ nguyên liệu để làm 5,5 triệu m3 dăm gỗ XK, đều từ gỗ rừng trồng trong nước. Tổng nhu cầu nguyên liệu gỗ hiện nay khoảng 19 triệu m3, thì chỉ cần NK 4 triệu m3, 15 triệu m3 còn lại có thể cung ứng từ nguồn gỗ trong nước...
Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cho hay, chủ trương của Bộ NN-PTNT là đã và sẽ hạn chế thấp nhất gỗ nhập không có xuất xứ, tăng NK từ những nước có chứng chỉ rừng. Đồng thời, sẽ tăng mạnh nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng tập trung và cây trồng phân tán. Rừng tự nhiên trong năm nay chỉ khai thác một cách hạn chế. Chỉ những DN nào có chỉ tiêu khai thác bền vững mới được cấp phép khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Thứ trưởng khẳng định sang năm 2014, sẽ tạm ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên một thời gian.
Thanh Sơn
Theo nongnghiep.vn