Tăng cường kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm

Tăng cường kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm
Trong thời gian tới, các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 có thể vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ tại một số địa phương. Đặc biệt do việc tái đàn mới, chưa có miễn dịch, nhất là trên thủy cầm.

 
Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đây là nhận định về tình hình dịch cúm A/H5N1 của Cục Thú y, Bộ NNPTNT tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm chiều nay (18/2).

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), cho biết tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 từ năm 2007 đến nay chỉ xảy ra ở dạng nhỏ lẻ, rải rác ở các hộ chăn nuôi gia đình. Dịch này thường phát ra lẻ tẻ dịp trước và sau Tết Nguyên đán do thời tiết trở lạnh, mưa phùn, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm tăng cao...

Ông Đông cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 có thể vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ tại một số địa phương. Đặc biệt do việc tái đàn mới, chưa có miễn dịch, nhất là trên thủy cầm.

Về tình hình cúm A/H7N9, đến thời điểm hiện nay, chưa phát hiện gia cầm, môi trường và người tại Việt Nam bị nhiễm virus cúm A/H7N9. Bộ NNPTNT đã tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm virus cúm A/H7N9 tại các chợ buôn bán gia cầm sống và khu vực các cửa khẩu quốc tế.

Từ tháng 6/2013 đến nay, đã triển khai 3 chương trình giám sát chủ động virus cúm A/H7N9 tại 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với gần 20.000 mẫu gia cầm, mẫu môi trường được lấy tại các chợ gia cầm để xét nghiệm (tần suất lấy mẫu 2 tuần 1 lần), kết quả đều âm tính với virus cúm A/H7N9. Chương trình giám sát này hiện nay vẫn đang được tăng cường thực hiện với tần suất lấy mẫu 2 lần/tuần.

Tuy nhiên, Cục Thú y vẫn đưa ra cảnh báo nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Tổ chức FAO nhận định Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. Một số nghiên cứu về việc vận chuyển gà loại thải ở Trung Quốc cho thấy nhiều gà loại thải được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam giáp với Việt Nam, trong đó có qua các tỉnh đã phát hiện virus cúm A/H7N9. Virus cũng đã được phát hiện trên gia cầm và người ở tỉnh Quảng Tây giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Theo tổng hợp của Cục Thú y năm 2013, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại 50 xã, phường của 23 huyện, quận thuộc 7 tỉnh gồm Điện Biên, Hòa Bình, Kiên Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long làm 59.829 con gia cầm mắc bệnh (gà chiếm 16,25%, vịt là 83,43%, ngan 0,32%); tổng số gia cầm chết và  tiêu hủy là 79.522 con (trong đó gà chiếm 18,12%, vịt 81,64%, ngan là 0,26%).

Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy ngay và  xử lý kịp thời không để dịch lây lan. Đặc biệt, năm 2013 cũng đã phát hiện dịch cúm gia cầm xảy ra trên đàn chim trĩ và chim cút (Tiền Giang) và 1 ổ dịch trên chim yến (Ninh Thuận).

Đỗ Hương
Nguồn baodientu.chinhphu.vn