Tăng lương tối thiểu: Ai mừng, ai lo?

Dân lo lương tăng 1, giá cả tăng 3. Doanh nghiệp lo lợi nhuận không theo kịp quỹ lương. Nhà nước lo gánh nặng ngân sách. Vậy ai mừng khi lương tăng?
Tăng lương tối thiểu: Ai mừng, ai lo?
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/5, mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức được tăng thêm 220.000 đồng/tháng, tương đương 26%, lên 1.050.000 đồng/tháng.

 

Tăng lương có vẻ là một tin mừng. Nhưng thực chất thì những ai mừng khi lương tăng?

Dân lo 

Theo tâm lý chung thì nghe thấy “tăng lương”, ai chẳng vui mừng, ai chẳng trông đợi! Tuy nhiên, trong thời buổi lạm phát Việt Nam liên tục đứng nhất nhì thế giới, các mặt hàng thiết yếu, từ thực phẩm, xăng dầu đến hàng tiêu dùng... đều thi nhau tăng giá thì thông tin trên khiến người dân lo nhiều hơn mừng.

Dân lo vì lương tăng 1, giá đã tăng 3. Lương mới “rục rịch” tăng, giá đã “vọt” vài bậc. Đáng nguy hơn là chỉ có một bộ phận người dân được tăng lương nhưng giá cả lại tăng đối với toàn bộ 90 triệu người dân cả nước mà không chừa những đối tượng không được tăng lương khiến những người này cũng bị “vạ lây”.

Vậy là, đồng lương danh nghĩa của người lao động sắp tăng, thậm chí tăng mạnh nhưng mức lương thực tế, phản ánh sức mua thực sự của người tiêu dùng lại có xu hướng lao dốc khi giá cả hàng hóa không ngừng leo thang.

Vòng luẩn quẩn tăng lương - tăng giá đã diễn ra từ lâu, người dân giờ không mong tăng lương mà mong giá cả được bình ổn, để người dân không “phải” tăng lương mà vẫn không đuổi kịp giá.

Doanh nghiệp lo

Tăng lương, đồng nghĩa với việc quỹ lương (bao gồm lương, thưởng, các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các quỹ trích theo lương) sẽ “phình” to và khiến gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trở nên nặng nề hơn.

Trong bối cảnh hơn chục nghìn doanh nghiệp “chết” trong 3 tháng đầu năm, sản xuất đình đốn vì sức mua của người tiêu dùng chững lại, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức “chót vót” thì việc tăng các khoản chi phí nhân công cũng là một khó khăn không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tăng chi phí nhân công cũng khiến các doanh nghiệp tính toán cẩn trọng hơn trong kế hoạch sử dụng lao động, không tuyển dụng mới và thậm chí có thể sa thải hàng loạt nhân viên để tiết giảm chi phí.

Thực tế, đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực giày da, dệt, may mặc, khai khoáng,... sử dụng hàng nghìn lao động thì mọi động thái điều chỉnh lương của Chính phủ đều sẽ có ảnh hưởng không hề nhỏ.

Nhà nước có lo?

Chăm lo đời sống người dân là một trong những nghĩa vụ cơ bản nhất của Chính phủ. Bởi vậy, việc tăng lương được coi là việc làm “thuận ý trời, hợp lòng dân”. Tuy nhiên, việc tăng 26% mức lương cơ bản cũng sẽ khiến ngân sách Nhà nước phải gánh chịu thêm 1 khoản chi không nhỏ.

Theo tính toán của Bộ Tài chính từ cuối năm 2011, nếu tăng lương tối thiểu ở mức 50.000 đồng/người, cả năm sẽ cần thêm 11.000 tỷ đồng cho chi lương. Còn với mức tăng 220.000 đồng như vừa công bố, danh mục các khoản chi Ngân sách Nhà nước sẽ phải “gánh” thêm gần 50.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngân sách đang “oằn” mình khi các khoản chi tăng 13,4%, tăng nhanh gấp hơn 30 lần so với tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước là 0,4% trong quý 1 (so với cùng kì năm trước đó).

Chỉ tính riêng quý 1, ngân sách nhà nước đã bội chi 26.190 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhận định khả năng thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới tiếp tục khó khăn vì kinh tế chưa khởi sắc.

Vậy là, lương tăng nhưng cả người dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước đều lo nhiều hơn mừng!


Nguồn: DVT