Tăng quyền lực cho nhân dân
- Thứ sáu - 01/03/2013 02:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại cuộc tọa đàm góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng qua (28/2), các chuyên gia đã tập trung phân tích những điểm mới trong bản Dự thảo Hiến pháp để người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu thấu đáo để từ đó có thể gửi ý kiến đóng góp xác đáng đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Mọi quyền lực thuộc về nhân dân
Bàn về nguyên tắc chủ quyền nhân dân và phương thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, một bản Hiến pháp được xây dựng cơ bản trên nguyên tắc chủ quyền nhân dân, tức là nhân dân giao quyền cho nhà nước, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Trong bản Hiến pháp năm 1992, vấn đề này cũng được quy định song vẫn chưa đủ. Người dân thực hiện quyền thông qua dân chủ trực tiếp mà trước hết là của Hội đồng nhân dân (HĐND), lần này với cơ sở hiến định, chúng ta làm thế nào để dân chủ trực tiếp này có hiệu lực hơn, thực chất hơn và mang lại hiệu quả hơn.
“Trước đây chúng ta nghĩ các cơ quan nhà nước khác (vì nhân dân không trực tiếp bầu ra mà Quốc hội bầu ra), không trở thành phương thức để thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân. Lần này chúng ta khẳng định, dù các cơ quan nhà nước khác không do nhân dân trực tiếp bầu ra mà do người đại diện của nhân dân bầu ra, mà đó là Quốc hội hoặc HĐND thì họ cũng là một trong những chủ thể thực hiện quyền lực của nhân dân”, ông Liên nói.
Hiếp pháp sửa đổi được kỳ vọng sẽ không còn những quy định không phù hợp thực tiễn như với vấn đề đất đai
Một nội dung nhiều người quan tâm đó là trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này bổ sung thêm nội dung về kiểm soát quyền lực. Bà Nguyễn Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng: Kiểm soát quyền lực lẫn nhau là yếu tố rất quan trọng nhưng việc đưa vào Hiến pháp phải như thế nào để việc kiểm soát có hiệu quả, ở đây là lập pháp, hành pháp, tư pháp phải quy định rõ ràng, thì mới kiểm soát được. Về cơ chế kiểm soát quyền lực, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, có quyền lực là có nguy cơ lạm quyền, lộng quyền và tha hóa quyền lực. Không thể nói quyền lực khi trao cho ai đó và bảo đảm thực hiện thông qua lòng tốt của họ mà phải có cơ chế kiểm soát. Và đặc biệt người dân đã giao quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát, để bảo đảm quyền lực trong tay nhân dân và vì lợi ích của nhân dân.
Chế độ tập thể không che khuất trách nhiệm cá nhân
Một điểm khiến nhiều người dân quan tâm đó là “Việc thành lập HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý” được quy định tại Khoản 2 Điều 115. Ông Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý nhận định, mô hình tổ chức chính quyền ba cấp ở địa phương (tỉnh/huyện/xã) được hình thành trọn vẹn nhất trong Hiến pháp 1980, khi mô hình kinh tế hóa tập trung được hiến định một cách đầy đủ nhất. Trong đó, Nhà nước làm chủ “cuộc chơi kinh tế” nhưng khi chuyển sang cơ chế thị trường hiện nay thì Nhà nước không thể làm chủ toàn bộ “cuộc chơi” này mà sẽ trở thành người chơi rất quan trọng, do đó, việc điều hành hành chính cần năng động hơn.
“Riêng đối với vấn đề đất đai, những yếu tố chưa hiệu quả, gây bức xúc, tiêu cực do chúng ta thể chế hóa pháp luật về chế định đất đai là sở hữu toàn dân là chưa đầy đủ; thứ hai là có nguyên nhân từ yếu kém trong quản lý đất đai. Như vậy cần tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Còn những hạn chế nêu trên sẽ phải khắc phục. Lần này chúng ta khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản là bước tiến mới trong tư duy và rất có lợi” - ông Hoàng Thế Liên. |
Thứ hai là chế độ trách nhiệm cá nhân trong UBND, giữa người đứng đầu, từng thành viên và trách nhiệm tập thể có vấn đề. Trong bối cảnh phát triển kinh tế với xu thế đô thị hóa ngày càng rõ, đòi hỏi chính quyền một số đô thị và những nơi điều hành chính sách cần phải năng động. Thêm vào đó, để bảo đảm tính dự báo của Hiến pháp thì cần phải có những bước sửa đổi cơ bản theo hướng để chế độ tập thể không che khuất trách nhiệm cá nhân. Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, đã là cơ quan chính quyền địa phương (dù là UBND hay HĐND) thì vị thế của nó là cơ quan chấp hành. Nếu xác định như vậy thì nên đưa về dưới sự điều hành chung của Chính phủ, bảo đảm nền hành chính thống nhất.
Tạo cạnh tranh bình đẳng các thành phần kinh tế
Về vấn đề Dự thảo Hiến pháp mới nên hay không nên định danh cụ thể số lượng và tên của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế như Hiến pháp, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong dự thảo Hiến pháp không chỗ nào nói đến các hình thức sở hữu. “Có thể không liệt kê các hình thức sở hữu nhưng phải ghi rõ, các hình thức sở hữu được nhà nước bảo hộ như nhau bằng các phương tiện như nhau”, ông Huệ đề xuất.
Theo quan điểm của ông Liên, sửa đổi Hiến pháp trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập sâu vào kinh tế quốc tế nên cần xóa đi những quy định không phù hợp để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Còn việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào thì sẽ có chính sách của Đảng, Nhà nước.
Theo nongnghiep.vn