Tăng sức cạnh tranh nông nghiệp

Tăng sức cạnh tranh nông nghiệp
Ngành nông nghiệp nước ta liên tục lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ nông sản xuất khẩu lại không cao và đang bộc lộ nhiều bất ổn. Xung quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, đã chia sẻ với ĐTTC một số giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

 

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định thế nào về thực trạng của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay?

Ông NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN: - Năm 2012, nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế khi kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản tăng trưởng 3,4%, đạt hơn 27 tỷ USD. Đây là năm nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã đạt được những kỷ lục mới, một số mặt hàng nông sản khác cũng đã ghi dấu ấn khi gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD.

Tuy nhiên, dù kết quả xuất khẩu khả quan nhưng thành tích đa số các ngành hàng nông sản đạt được vẫn chưa thật sự mang lại niềm vui cho DN, nông dân. Do không chủ động được giá bán nông sản cộng với ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh gia tăng đã khiến lợi nhuận của DN và nông dân giảm mạnh. Điều này đã kéo tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2012 đi xuống khi chỉ đạt 2,72%, trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2011 đạt 4%.

- Diễn biến của ngành nông nghiệp trong năm 2013 có lạc quan hơn năm 2012?

- Diễn biến thị trường nông sản 2013 sẽ phức tạp do kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi rất chậm và biểu hiện nhiều bất ổn, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên thị trường thế giới đang dẫn đến nguy cơ giá xuất khẩu nông sản giảm xuống, trong khi giá đầu vào lại có dấu hiệu tăng lên, thiên tai, dịch bệnh vẫn khó lường.

Thực tế, quý I-2013, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng giá trị thu về tăng không đáng kể và dự báo tình hình này có thể kéo dài đến năm 2014. Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp đang rất cần những biện pháp giải cứu chứ không nên cứng nhắc cho rằng nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt và không cần hỗ trợ.

 

Giá trị gia tăng từ xuất khẩu nông sản của nước ta vẫn còn thấp. 

 

- Vậy rào cản lớn nhất kéo giảm tăng trưởng của nông nghiệp hiện nay là đâu?

- Tăng trưởng của ngành nông nghiệp phụ thuộc vào 2 yếu tố, một là tăng giá, hai là tăng năng suất, diện tích để tăng sản lượng. Song trước nay, dù có sản lượng nông sản xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới, nhưng các DN vẫn phải chịu sự chi phối về giá của các nhà nhập khẩu và thị trường thế giới.

Theo một loạt dự báo đưa ra gần đây, trong năm nay giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực sẽ không tăng được nữa, nhưng giá các đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu… lại đi theo chiều hướng ngược lại, nên việc cải thiện giá bán là điều khó khăn.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản truyền thống đang rơi vào nguy cơ vỡ quy hoạch. Chẳng hạn, quy hoạch đến năm 2020 của ngành lúa gạo sẽ đạt diện tích canh tác 7,03 triệu ha, thế nhưng chỉ mới đến năm 2012, diện tích trồng lúa gạo đã đạt 7,75 triệu ha, với cà phê, kế hoạch năm 2015 đạt 550.000ha nhưng hiện đã lên tới 622.000ha, cao su cũng đã vượt quy hoạch 111.000ha và hồ tiêu vượt khoảng 6.000ha. Do vậy, bài toán tăng diện tích để tăng sản lượng gần như rơi vào bế tắc.

- Ông có nói đến việc giải cứu ngành nông nghiệp, vậy phải giải cứu bằng cách nào?

- Ngay lúc này, ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp phát triển ngắn hạn và từng bước tái cấu trúc theo chiều sâu. Về giải pháp ngắn hạn, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các ngành chuyển đổi giống chất lượng cao, quản lý dịch bệnh, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm…

Về dài hạn, Nhà nước phải hỗ trợ tái cấu trúc mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ưu tiên công nghiệp chế biến, hỗ trợ máy móc phục vụ nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị, định hướng sản phẩm có khả năng cạnh tranh và tham gia vào chuỗi toàn cầu, đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh và khu nông nghiệp công nghệ cao…

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có sự thống nhất về thẩm quyền quản lý để gia tăng sự bảo hộ cho các ngành hàng, nhất là những ngành hàng có sức cạnh tranh yếu như thủy sản, chăn nuôi để nếu rơi vào tình huống bị kiện phá giá hay về vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp hỗ trợ kịp thời thay vì lúng túng và đổ lỗi cho nhau.

- Chúng ta vẫn thường nhắc lại điệp khúc nông dân bị ép giá, vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này?

- Việc nông sản Việt Nam bị ép giá là do thiếu thông tin thị trường cũng như cơ chế điều hành xuất khẩu chưa được quan tâm và đầu tư đúng tầm.

Cho đến nay, nông nghiệp vẫn phát triển theo hướng người nông dân thấy mặt hàng nào tăng giá liền chạy theo sản xuất mặt hàng đó, các thông tin giá cả cũng chỉ được tiếp cận thông qua các phương tiện truyền thông chứ chưa được diễn giải cụ thể về giá cả trong chuỗi phân phối sản phẩm nên đành chấp nhận giá thương lái hay DN đưa ra.

Các thương lái, DN lại cạnh tranh để giành khách hàng nên bán với giá thấp, quay sang ép giá nông dân. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ đầy đủ thông tin về giá đầu vào, đầu ra đúng những thời điểm cần thiết cho người nông dân.

Đồng thời, các sàn giao dịch nông sản cần được hỗ trợ để hoạt động hiệu quả, dần hình thành thói quen giao dịch qua sàn để đảm bảo giá cả, chất lượng nông sản, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

Yên Lam (thực hiện)
Theo .saigondautu.com.vn