Tăng tốc nâng chất lượng bò thịt

Tăng tốc nâng chất lượng bò thịt
Với định hướng xây dựng thương hiệu bò thịt, những năm qua tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều biện pháp phát triển đàn bò chất lượng cao nhằm tăng năng lực cạnh tranh và giá trị chăn nuôi.

14-37-04_1
Bò thịt chất lượng cao phát triển mạnh trong nông hộ

Theo đó, phương thức chăn nuôi bò tại nông hộ cũng đã chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh; đồng thời phát triển mạnh chăn nuôi quy mô trang trại. Đây là tiền đề để Bình Định thực hiện công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi và cũng là bước đệm để xây dựng thương hiệu bò thịt.  

Lai hóa đàn bò

Với tổng đàn gần 300 ngàn con, Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương có tổng đàn bò lớn nhất khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Trước đây, đàn bò của tỉnh đa số là giống bò cỏ trọng lượng kém, cho sản lượng thịt không cao. Quy mô chăn nuôi còn nhỏ, phân tán, do đó việc áp dụng TBKT còn hạn chế.

Để làm thay đổi “diện mạo” chăn nuôi, những năm qua ngành nông nghiệp Bình Định đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phát triển đàn bò thịt chất lượng cao thông qua các chương trình, dự án; như dự án cạnh tranh nông nghiệp, dự án sinh kế nông thôn bền vững, chương trình “Sind hóa”, “Zebu hóa” đàn bò lai…

Đồng thời tỉnh cũng đã triển khai đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nông hộ giai đoạn 2015-2020”. Theo đề án, quy mô đàn bò thịt của tỉnh đến năm 2020 sẽ tăng lên 520 ngàn con; 320 ngàn con là đàn bò trong nông hộ, đàn bò của các doanh nghiệp là 200 ngàn con. Tỉ lệ bò lai và bò ngoại thuần đến năm 2020 cũng sẽ được tăng lên 93,8%; sản lượng thịt bò hơi trong chăn nuôi nông hộ xuất chuồng đạt 48.405 tấn.

Để đạt được mục tiêu nói trên, ngay từ bây giờ Bình Định đã đẩy mạnh công tác lai tạo bò thịt chất lượng cao. Đến nay đã đưa các giống bò thịt chất lượng cao như: Red Angus, Blanc Bleu Belge để lai tạo trên nền bò cái lai F2 Zebu tại địa phương, tạo ra bê lai chất lượng cao dùng để nuôi thịt. Bình Định còn chuyển giao song song các mô hình trồng cỏ chất lượng cao, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và đầu tư chăn nuôi thâm canh.

“Trong năm 2016, tỉnh đã lai tạo được 20.000 con bò thịt chất lượng cao Red Angus và Blanc Bleu Belge; trong 7 tháng đầu năm 2017 đã lai tạo thêm 19.510 con bò thịt chất lượng cao. Hai giống bò nói trên rất “to con”, thịt thơm ngon, được thị trường ăn mạnh”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.  

Cần tiếp sức

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Ức, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, chất lượng bò thịt trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt bò trên thị trường ngày càng lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trên địa bàn.

14-37-04_2
Các giống bò lai, “to con”, đang hít mạnh người chăn nuôi ở Bình Định

“Tuy vậy, để bò thịt trở thành mặt hàng cạnh tranh, cần phải tiếp tục củng cố hệ thống thú y cơ sở, ưu tiên đầu tư trang thiết bị, bò đực giống để phục vụ công tác lai tạo; ưu tiên kinh phí khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn về chế biến thức ăn gia súc để chuyển giao cho nông dân. Trước mắt, người chăn nuôi bò đang rất cần hỗ trợ về công tác giống, kỹ thuật để đầu tư nâng cao chất lượng vật nuôi”, bà Ức kiến nghị.

Ông Đào Văn Hùng khẳng định, từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh này sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bò thịt nông hộ chất lượng cao.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ bò giống cho nông dân các huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ ; xây dựng 11 mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, mỗi mô hình nuôi 10 con bê giống Red Angus và Blanc Bleu Belge theo hướng thâm canh. Đồng thời đầu tư cho trạm thú y, trạm khuyến nông các địa phương bình chứa ni tơ và các trang thiết bị khác phục vụ công tác lai tạo bò, kèm theo đó là chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Hùng cho hay.

“Ngành nông nghiệp Bình Định sẽ chú tâm đến việc phát triển mô hình liên kết SX giữa người chăn nuôi bò thịt với các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong phát triển chăn nuôi bò thịt. Doanh nghiệp sẽ là đầu mối tiêu thụ bò thịt, bò giống; đồng thời kết nối với các thị trường lớn trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu”, ông Đào Văn Hùng.
Theo nongnghiep.vn