Tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 7,02%

Tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 7,02%
CTTĐT - Sáng 30/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước năm 2019 và đề ra những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã đề ra.
 
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương (Ảnh: ST)

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tại các điểm cầu trên toàn quốc.  
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh:ST)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng được cải thiện rất rõ nét. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng cao hơn nhiều nước trong khu vực. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 3 bậc trong ASEAN. Đặc biệt, Chính phủ không đánh đổi tăng trưởng cao với ô nhiễm môi trường, mà phải phát triển bền vững. Đề cập đến ý kiến cho rằng các nước đang phát triển trong giai đoạn tiền công nghiệp hóa, muốn tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường, xã hội, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, xác định công thức 3 trong 1 về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. 
Với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02%, vượt mục tiêu đề ra 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Năm 2019 có thể coi là năm “bứt phá” với quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD, đây là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp. Khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt khách.
Điều đáng ghi nhận là dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 2,79%, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, tỉ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm… Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%, thấp hơn 1% so với năm 2018; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm; Thu ngân sách ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, cho thấy đây đang là giai đoạn thu ngân sách tốt nhất kể từ năm 2013, đồng thời, chủ trương chung về siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản chặt bội chi ngân sách Nhà nước đã được thực hiện chặt chẽ.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước;…
Phân tích những cơ hội, thách thức năm 2020 và những năm tiếp theo để đề ra những giải pháp phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến nay, dự thảo Nghị quyết về cơ bản đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.
Tại hội nghị, Chính phủ cũng đã thông qua kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 1/1/2019) và Dự thảo Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực so với năm 2018.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Chúng ta không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng còn thấp; sức ép lạm phát còn lớn; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả còn thấp, đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật sự lành mạnh và bền vững. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức... Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị cần tập trung phân tích thấu đáo, tạo sự thống nhất cao về tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo giải pháp có thể tiếp tục kế thừa, phát huy với 3 bài học kinh nghiệm đã rút ra được tại Hội nghị trước, đó là: Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa Trung ương và địa phương; Tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, góp ý của các đồng chí lão thành, các chuyên gia, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các tầng lớp nhân dân… Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bổ sung bài học mới của năm nay là đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển;… Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tinh thần chung của năm 2020 là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019.

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Buổi chiều cùng ngày, hội nghị nghe và thảo luận về các nội dung như Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01); Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02); báo cao kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và hoạt động của Tổ công tác năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2019; Cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;… của các bộ, ngành, địa phương.

Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày, Cổng TTĐT tỉnh sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.
Theo Lệ Hằng/Laocai.gov.vn