Tạo đà cho doanh nghiệp nông nghiệp cất cánh

Bước vào năm 2017, nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp đã lên kế hoạch rót vốn vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), đồng thời tiếp tục tìm dự án triển vọng để đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cần có những giải pháp đồng bộ.
Khách tham quan mô hình trồng rau theo công nghệ thủy canh tại trang trại của ThS Lê Quốc Đức (Đà Lạt, Lâm Đồng). Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Những điểm sáng

Những năm qua, ngành nông nghiệp cả nước đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2016 đã có 4.500 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một con số mang ý nghĩa tích cực trong bối cảnh đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế và được xem là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Trần Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoa Anh Đào, tiến sĩ ngành công nghệ sinh học với mô hình trồng hoa đào ở tuổi 72, cho rằng, để DN khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực NNCNC cần phải trang bị, trau dồi kiến thức về công nghệ cao, nắm vững chuyên môn mới khởi nghiệp thành công. Bản thân ông đã mất 10 năm để nghiên cứu trồng và nhân giống hàng loạt hoa anh đào Nhật Bản ở điều kiện thời tiết Việt Nam. Từ 10 hạt giống ban đầu mà nước bạn cho, hiện ông có hơn 30 nghìn cây con, 4.500 cây đã được đem đi trồng và khoảng 200 cây có hoa. Giá bán cho một cây tám đến chín năm tuổi từ 100 triệu đến 300 triệu đồng.

Thành công từ làm NNCNC còn phải kể đến trang trại trồng hoa của Công ty Thiên Trang gần Trường bắn Yên Sở, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trang trại rộng khoảng 5.000 m­2 với hàng chục nghìn gốc hồng (hơn 500 giống hồng ngoại lai; sáu giống hồng cổ như: bạch văn khôi, Sa Pa, đào cối, son môi… có những gốc hồng cổ trị giá vài chục triệu đồng. Hiện, tiền đầu tư cho trang trại lên đến năm tỷ đồng và doanh thu mỗi tháng của công ty hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ có tư nhân chọn NNCNC, mà hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai. Tính từ thời điểm bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp (năm 2008) đến nay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư 18 nghìn tỷ đồng vào nông nghiệp và bước đầu gặt hái thành công. Hiện tập đoàn đang sở hữu 44.500 ha cao-su, 8.000 ha mía đường, 17.300 ha dầu cọ, 5.000 ha bắp và đang triển khai dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt với những ý tưởng đột phá đã và được xem là dấu hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp hiện nay.

Gỡ những nút thắt

Bên cạnh sự bùng nổ của các DN trong nước, đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp được xem là thấp khi chỉ chiếm khoảng 2,9% và bằng 1% tổng số vốn FDI được đầu tư vào Việt Nam. Nguyên nhân được chỉ ra là do thủ tục hành chính, năng suất lao động thấp và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) lạc hậu đã trở thành rào cản thu hút đầu tư.

Đề cập đến những “nút thắt” trong chính sách KHCN, ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) cho rằng: Thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài, thật sự sẽ thổi làn gió mới cho nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù có nhiều ưu đãi về chính sách, thuế, vốn và đất đai… nhưng vẫn chưa có đánh giá chính thức về hiệu quả của những chính sách này trên những đối tượng được thụ hưởng. Qua thực tiễn, nhiều DN vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Hay nói đúng hơn là nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng e dè cho vay bởi vốn cho nông nghiệp thường rất lớn, trong khi mặt bằng kinh doanh, quỹ đất manh mún, đầu ra cho sản phẩm rất bấp bênh. Nhìn chung, DN trong nông nghiệp còn khá bơ vơ.

Vì vậy, hiểu rõ, nắm chắc Luật Công nghệ cao, cũng như các cơ chế chính sách thông thoáng gắn với ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, DN làm NNCNC được xem là những tiền đề cần thiết để nông nghiệp phát triển trong tương lai.

Theo Tú Anh/nhandan.com.vn