Tập trung phòng chống, không để dịch bệnh bùng phát sau lũ
- Thứ ba - 25/10/2016 11:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng lũ
Phương Mỹ (Hương Khê) là vùng rốn lũ, nước ngập sâu 4-5 ngày. Ngay cả Trạm Y tế cũng bị ngập sâu hết tầng 1. Tuy vậy, trong những ngày mưa lũ, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vẫn luôn được đảm bảo.
Nhân viên Trạm Y tế xã Hà Linh (Hương Khê) chăm sóc sức khỏe cho người dân sau lũ.
Bác sỹ Đặng Hồng Sơn - Trưởng trạm Y tế xã Phương Mỹ cho biết: Nước ngập sâu nhưng trạm vẫn đảm bảo điều kiện hoạt động ở tầng 2. Hơn nữa, bà con đã quen sống chung với lũ, họ di chuyển bằng thuyền đến trạm y tế. Đối với bệnh nhân không thể đến được, trạm cử nhân viên y tế đến tận nhà. Từ hôm mưa lũ đến nay, xuất hiện các bệnh cảm cúm, rối loạn tuần hoàn não, nước ăn chân tay và đau bụng.
Ngoài hoạt động chăm sóc sức khỏe của trạm y tế, nhân dân vùng lũ còn được thầy thuốc các tuyến trên tình nguyện về khám bệnh và cấp thuốc. Ông Nguyễn Đình Thức - y tá thôn Thượng Sơn (Phương Mỹ) cho biết: “Sau khi nước rút, đã có 2 đoàn về khám và cấp thuốc cho người dân. Hiện, chúng tôi đang tập trung phòng, chống các dịch bệnh sau lũ. Đặc biệt là xử lý nguồn nước để chống bệnh đau mắt đỏ và các bệnh về đường ruột”.
Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế Nguyễn Đại Chiến: Sở đã chỉ đạo các trạm y tế triển khai kế hoạch phòng chống lũ lụt, đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân trước khi xảy ra lũ lụt. Trong và sau lũ lụt, nắm bắt tình hình 24/24h để kịp thời chỉ đạo, xử lý tình huống. Ngoài ra, Hội Thầy thuốc trẻ, các bệnh viện cũng đã khám và cấp thuốc cho người dân vùng lũ. Đến thời điểm này, các bệnh xuất hiện chủ yếu là nước ăn chân và cảm cúm. Các bệnh về đau mắt, tiêu hóa có tỷ lệ thấp. Bệnh nhân chủ yếu được chăm sóc tại trạm y tế, không phải chuyển tuyến.
Ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm bùng phát
Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh vẫn ổn định. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát rất cao. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vũ Quang Nguyễn Đình Sơn cho biết: “Chúng tôi đã xử lý xong 347 giếng khơi và 755 giếng khoan, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân. Hiện chúng tôi tập trung chỉ đạo các trạm y tế, y tế thôn tiếp tục xử lý vệ sinh môi trường sau lũ; tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống; kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý”.
Không chỉ ở Vũ Quang mà tất cả các địa phương bị ảnh hưởng lũ lụt đều chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác xử lý môi trường được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Việc xử lý giếng nước, công trình vệ sinh cho người dân được gấp rút hoàn thành.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh thau rửa nguồn nước giếng sinh hoạt cho người dân vùng lũ.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh dịch, chúng tôi chỉ đạo các địa phương tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ người dân. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... và các bệnh dịch nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, Zika, cúm A… Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã thành lập 2 đội phòng chống dịch cơ động, phân công các thành viên trực tiếp đến các huyện phối hợp với địa phương thực hiện giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh có dấu hiệu nghi ngờ truyền nhiễm như sốt xuất huyết, Zika để thực hiện cách ly, khoanh vùng, dập tắt kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan ra diện rộng.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mùa lũ, người dân cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế: - Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. - Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như CloraminB, viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. - Bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. |