Thả gà trên rừng Chí Linh, mới 10 năm đã thành tỷ phú
- Thứ sáu - 31/08/2018 08:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Tỷ phú chân đất” ở Chí Linh
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất đồi nên anh Nhàn đã sớm quen với công việc đồng áng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Năm 18 tuổi, anh đã lập gia đình và bắt đầu tự lo cho cuộc sống. Thời gian đầu, 2 vợ chồng anh đầu tư trồng cây vải trên diện tích 2ha. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, cây vải không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư gần như mất trắng. Thời điểm đó, nhiều người tưởng anh sẽ bỏ cuộc, nhưng không, những lúc khó khăn nhất, anh Nhàn vẫn trăn trở tìm hướng đi.
Anh Lục Văn Nhàn - cán bộ, hội viên ND tiêu biểu trong phong trào SXKD giỏi của tỉnh với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: N.T
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” vừa ký Quyết định số 4843-QĐ-/HNDTW về việc trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018 cho 63 nông dân thuộc 63 tỉnh, thành phố được lựa chọn, bỏ phiếu từ hồ sơ của 148 ứng cử do Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố gửi về. Anh Nhàn là 1 trong 63 nông dân được trao danh hiệu này. |
Sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, anh nhận thấy mô hình nuôi gà thả đồi phù hợp với đồng đất quê hương nên đã huy động nhiều nguồn vốn, trong đó có sự hỗ trợ của Hội Nông dân (ND) xã để đầu tư nuôi gà thả đồi thương phẩm với quy mô nhỏ. Ngay trong năm đầu tiên, đàn gà đã tỏ ra thích nghi với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu vùng đồi, có tiềm năng phát triển. Gà nuôi ở đây lớn nhanh, khỏe mạnh, chất lượng thịt ngon và đầu ra rộng mở. Chính vì vậy, năm 2008, vợ chồng anh Nhàn quyết định đầu tư chăn nuôi giống gà chọi lai Lương Phượng với quy mô 20.000-25.000 con/năm. Nhờ chăm chỉ tích lũy kiến thức chăn nuôi, trại gà nhà anh Nhàn phát triển ổn định, ít dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình anh thường xuất 2 lứa, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi, anh Nhàn còn tận dụng diện tích gần 12ha đất đồi, đất rừng để trồng cây lấy gỗ. Đến nay, rừng gỗ keo và bạch đàn đã cho gia đình anh thu hoạch 3 vụ với số tiền lãi gần 500 triệu đồng/vụ. Không những phát triển kinh tế gia đình, hằng năm, trang trại của anh tạo việc làm ổn định cho 15-20 lao động với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ giỏi chăn nuôi, trồng trọt, anh Nhàn còn rất nhạy bén với thị trường. Nhận thấy người dân địa phương có nhu cầu lớn về thức ăn chăn nuôi, anh đã chủ động liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất cám cung ứng cho các hộ dân theo phương thức trả chậm. Đến nay, sản lượng cám cung ứng hằng năm của gia đình anh luôn đạt từ 20.000-26.000 tấn/năm. Riêng việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi giúp gia đình anh thu lãi từ 500-700 triệu đồng/năm.
Tâm huyết với thương hiệu gà đồi
Từ nhiều năm nay, người dân ở Chí Linh, nhất là các xã miền núi phía bắc quốc lộ 18 đã hình thành tập quán chăn nuôi gà thả đồi, một hình thức chăn nuôi bán công nghiệp. Theo đó, bà con tận dụng những vườn vải, đồi rừng để thả gà. Hằng ngày, gà sẽ tản vào vườn, đồi, rừng hoặc bay, đậu, leo lên các cây và chỉ về chuồng lúc ăn, đi ngủ. Hình thức nuôi bán công nghiệp, bán hoang dã này giúp cho gà vận động nhiều, thịt ngon và săn chắc hơn, được người tiêu dùng ưa thích.
Tuy nhiên, có những thời điểm thị trường tiêu thụ khá bấp bênh. Bên cạnh đó, các hộ vẫn chăn nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh theo kinh nghiệm, chứ chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà sạch nên thỉnh thoảng dịch bệnh vẫn xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ. Mặt khác, do chưa có nguồn gốc rõ ràng nên việc tiêu thụ cũng gặp không ít khó khăn vì thường xuyên bị tư thương ép giá.
Nắm bắt nguyện vọng của người chăn nuôi, UBND thị xã Chí Linh đã vào cuộc, xây dựng Ban vận động thành lập Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gà đồi Chí Linh. Ban vận động đã tổ chức khảo sát người chăn nuôi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và làm các thủ tục đề nghị UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định cho phép thành lập hiệp hội. Đầu năm 2012, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gà đồi Chí Linh với mục đích phát triển, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao giá trị sản phẩm; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên; góp phần tích cực phát triển chăn nuôi gà đồi, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu gà đồi Chí Linh. Ngay khi Hiệp hội được thành lập, anh Lục Văn Nhàn đã được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch.
Nhận thấy việc xây dựng thương hiệu cho gà đồi Chí Linh phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cấp, ngành và thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn, anh Nhàn đã chủ động đề xuất với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành tổ chức khảo sát, thu nhập, tổng hợp thông tin về thực trạng và tập quán chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng, thiết kế và lựa chọn lôgô; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể; xây dựng quy trình chăn nuôi gà thương phẩm; quy trình kiểm soát chất lượng, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể...
Anh Nhàn cho biết: "Hiện, Hiệp hội đã tập hợp được hơn 1.000 hộ nuôi gà thả đồi với quy mô nuôi hơn 1.000 con/lứa trở lên. Trong số đó có hàng chục hộ nuôi với quy mô từ 10.000 - 15.000 con/lứa. Việc phát triển giống gà đồi ở Chí Linh đang có nhiều thuận lợi. Nhờ vậy, thu nhập của người nông dân cũng được nâng cao, đời sống được cải thiện".
Năm 2014, anh Nhàn còn được hội viên nông dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội ND xã Bắc An. Dù ở cương vị nào, anh cũng đều nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Vì vậy, nhiều năm liền gia đình anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Anh Nhàn cũng vừa được nhận danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư giai đoạn 2012-2016; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015; bằng khen của T.Ư Hội ND Việt Nam năm 2017 vì có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2017.
Theo danviet.vn