Thạc sỹ bỏ giảng đường đại học về quê nuôi gà, suýt phá sản

Thạc sỹ bỏ giảng đường đại học về quê nuôi gà, suýt phá sản
Thời gian gần đây, có không ít thanh niên đã mạnh dạn bỏ mức lương khủng, công việc an nhàn chốn thị thành để về quê lập nghiệp bằng nghề nông. Dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng họ không từ bỏ và đã đạt được những thành công ban đầu, với mức thu nhập nhiều người mơ ước. Thạc sỹ Hoàng Ngọc Việt ở thôn Đồng Tâm, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số đó.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt vừa làm tại một công ty chuyên về in ấn vừa học lên thạc sỹ, sau đó, Việt đã thi và trúng tuyển làm giảng viên tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Nhưng rồi ước mơ lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi đã thôi thúc anh từ bỏ công việc nhiều người mơ ước để về quê cùng 3 người bạn thuê 22 ha đất đồi tại xã Ngọc Thanh, bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả.

 thac sy bo giang duong dai hoc ve que nuoi ga, suyt pha san hinh anh 1

Thạc sỹ Hoàng Ngọc Việt đang chăm sóc đàn gà

Sau hơn 1 năm xây dựng trang trại và trồng cam, bưởi để “lấy ngắn nuôi dài”, đầu năm 2018, anh Việt mua hơn 500 con gà ta lai của Công ty Hòa Phát về nuôi thử nghiệm. Mặc dù đã tìm hiểu khá kỹ nhưng khi bắt tay vào nuôi nhưng ngay lứa gà đầu tiên anh đã thất bại vì gà có trọng lượng lớn, thừa cân, không phù hợp với thị trường Hà Nội.

Với số vốn ít ỏi còn lại, anh tiếp tục mua gần 1.500 con gà giống Minh Dư về nuôi theo hướng VietGAP. Sau gần 8 tháng nuôi, anh lại nhận thất bại lần thứ 2 khi chi phí chăn nuôi bỏ ra rất cao nhưng chưa tìm được thị trường tiêu thụ, gà phải bán theo giá thị trường khiến trang trại gần như bị phá sản.

Bằng ý chí và niềm đam mê, anh quyết tâm làm lại từ đầu. Qua tham khảo các kênh thông tin, từ mô hình nuôi gà thả vườn trên mạng xã hội đến những trang trai chăn nuôi gà thành công trong vùng và đi tìm hiểu thị trường gà thịt, anh quyết định chọn nuôi giống gà ri Lạc Thủy, gà mía Sơn Tây.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, mỗi tháng, trang trại của anh Việt và nhóm bạn xuất bán ra thị trường hơn 2.000 con gà mía thương phẩm. Tháng 3/2019, trang trại của anh đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hiện cho thu lãi hơn 80 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm trang trại được xây dựng khá bài bản, anh Việt tâm sự: "Tất cả vẫn đang ở giai đoạn “khởi nghiệp” và chưa thể nói đã thành công hay chưa, nhưng chúng tôi có nguồn động viên, khích lệ lớn là ngày càng có nhiều siêu thị, nhà hàng và các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội đã biết đến và liên hệ đặt hàng...".

"Với công suất như hiện nay, trang trại chưa thể đáp ứng được. Thời gian tới, cùng với tăng quy mô đàn và xem xét liên kết với một số mô hình trang trại tương tự, chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu các loại gà trong trang trại mang tên Hamatra và xây dựng trang web riêng, từng bước đưa sản phẩm gà sạch của trang trại đến gần hơn với người tiêu dùng", Hoàng Ngọc Việt cho biết.
http://danviet.vn/nha-nong/thac-sy-bo-giang-duong-dai-hoc-ve-que-nuoi-ga-suyt-pha-san-1001854.html

Theo Hoàng Phúc/danviet.vn