Thách thức không chỉ còn trên giấy

Thách thức không chỉ còn trên giấy
Ngày 21/12/2015, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực; và ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng chính thức có hiệu lực. Thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng không còn chỉ là những cảnh báo của các chuyên gia trong các cuộc hội thảo hay những bài phân tích đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà đã hiện hữu.
 

Theo VKFTA, Hàn Quốc cam kết tự do hóa 97,2% tổng giá trị hàng nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), tức 95,4% số dòng thuế; Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế.

Với AEC, khi AEC ra đời (31/12/2015), thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được mở cửa tiếp nhận đầu tư và doanh nghiệp một nước thành viên làm ăn ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng như với doanh nghiệp sở tại.

Đúng là việc VKFTA và AEC có hiệu lực thì hàng xuất khẩu của ta có nhiều cơ hội lớn bởi các cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế nhưng ngược lại, ta cũng phải mở cửa thị trường và cắt giảm thuế đối với các mặt hàng của bạn.

Lâu nay, các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, thế mạnh của chúng ta là hàng nông sản. Với Hàn Quốc, quốc gia có mùa đông băng giá 4 - 5 tháng, sản xuất nông nghiệp khó khăn thì đúng nhưng với các nước ASEAN, có khí hậu, nhiều mặt hàng sản xuất tương đồng (gạo, hồ tiêu, cao su, càphê, chè,…) thì chưa hẳn đúng, nhất là chất lượng nông sản của ta luôn gặp vấn đề do người sản xuất lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong trồng trọt, chất kháng sinh, thậm chí chất cấm trong chăn nuôi. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết; tư duy “mạnh ai nấy làm”, mở rộng sản xuất không tính đến nhu cầu thị trường vẫn là chủ đạo… Thực tế là, nhiều nông sản của Thái Lan, Campuchia đã tràn vào thị trường Việt và nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Nếu không sớm đồng bộ chính sách nhằm khuyến khích tích tụ đất đai để đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn, qua đó thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nâng tầm người nông dân thì nông nghiệp Việt Nam, ngành có nhiều sản phẩm có năng suất sinh học và sản lượng đứng đầu thế giới cũng sẽ mất sân nhà và người nông dân sẽ tiếp tục tụt lại về mọi mặt.

Tại sao nói chính sách tích tụ đất đai là then chốt? Theo nhiều chuyên gia, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp thấp bởi nhà đầu tư không thể bỏ tiền ra để tiếp tục sản xuất manh mún, không kiểm soát được quá trình sản xuất của nông hộ và quy hoạch sản xuất có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào nếu trên thị trường xuất hiện một sản phẩm nào đó ăn khách.

Thực tế mấy năm gần đây thấy một số tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp và thu kết quả khá tốt là bởi họ được các địa phương hỗ trợ tích tụ đất. Có đất đai đủ rộng, lại có vốn, họ chủ động mọi việc, từ quy hoạch, nghiên cứu khoa học để có giống chất lượng cao, thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ khép kín.

Bởi vậy, rất cần chính sách tích tụ đất đai (cho thuê đất, đóng cổ phần bằng đất, liên kết…) ở tầm vĩ mô để sao cho sản xuất hàng hóa chất lượng cao có kiểm soát phát triển, qua đó giảm dần lao động nông nghiệp, tăng năng suất lao động thông qua đầu tư nghiên cứu khoa học, mở rộng thị trường của doanh nghiệp. Có vậy nông sản Việt mới cạnh tranh được với đối tác trên cả sân nhà và sân khách.

  Hiền Trang
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn