Thái Bình: Thanh niên “say” nghề nông

Thái Bình: Thanh niên “say” nghề nông
Với cách tổ chức lớp học hấp dẫn, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình thu hút khá đông lao động thanh niên tham gia học nghề ngắn hạn, góp phần nâng cao nhận thức và tay nghề cho lớp lao động mới ở nông thôn.

Càng học thử càng ham

Đến thăm lớp học nghề chăn nuôi thú ý được tổ chức ngay tại nhà văn hóa thôn Sài, xã An Quý (Quỳnh Phụ, Thái Bình), ấn tượng lớn nhất của chúng tôi là lớp học nghề nông nhưng lại thu hút khá đông lao động ở độ tuổi thanh niên học nghề. Như ở lớp này, tới 80% người học ở độ tuổi 25-30.

Lãnh đạo và cán bộ Sở NNPTNT Thái Bình thăm mô hình thực hành của nông dân xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ.

Theo anh Nguyễn Viết Lanh (29 tuổi) ở xóm 3 chia sẻ, mới đầu nghe tin có lớp học nghề miễn phí, chẳng mấy ai mặn mà vì nghĩ sẽ mất nhiều thời gian, đi lại vất vả mà chẳng được gì. Thế nhưng, lớp học được mở ngay ở thôn, giảng viên đứng lớp lại là kỹ sư lành nghề nên mọi người rủ nhau đi học thử. “Kết quả là càng học càng ham, anh em chúng tôi đều nắm vững kiến thức chăn nuôi, áp dụng luôn cho chuồng trại nhà mình rất thành thạo”- anh Lanh nói.

Chị Nguyễn Thị Tâm 30 tuổi, ở xóm 3 bày tỏ: “Sau khi được học nghề, tôi quyết định tạo dựng lại cơ nghiệp bằng chính nghề nông. Tháng 4.2012 tôi đầu tư nuôi gà, ngan, lợn… không những có thu nhập cao mà quan trọng mình có thêm thời gian chăm sóc gia đình”.

Ông Nguyễn Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình cho biết: 70% dân số Thái Bình làm nông nghiệp, trường tập trung đào tạo nhóm ngành phục vụ nông nghiệp như bảo vệ thực vật, trồng trọt, chăn nuôi.

Tạo cơ nghiệp sau học nghề

Nếu như trước đây, người dân xã An Quý sống chủ yếu dựa vào cây lúa và hoa màu thì nay bà con đã thay đổi nhận thức trong việc chọn nghề làm ăn sinh sống, đã có rất nhiều hộ gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi gia súc, gia cầm phát triển kinh tế. Như gia đình anh Nguyễn Viết Lanh giờ đã nuôi gần 100 lợn nái và lợn thịt, thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, sau khi học nghề, anh đã đầu tư hệ thống 10 chuồng đạt tiêu chuẩn công nghiệp. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Tâm nuôi tổng hợp 150 con gà, 100 con ngan, 60 con lợn, mỗi năm thu về 100 triệu đồng Chị Tâm nêu thực tế: “Bây giờ được học hành, có kiến thức, tôi yên tâm hơn khi đầu tư chăn nuôi”.

Từ đầu năm 2012 đến nay, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình đã mở được 38 lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân, với hơn 1.324 học viên tham gia. Sau 3 tháng học nghề, nhiều lao động đã tìm được việc làm, tự tin mở rộng sản xuất.

Cô Nguyễn Thị Bích Liên, dạy môn chăn nuôi thú y cho rằng, điều mừng nhất ở các lớp học là sau khi các học viên học xong đều áp dụng vào thực tiễn rất tốt, có một số học viên còn mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng lớn. Ông Nguyễn Văn Lượng nhấn mạnh: “Điều thành công nhất là từ thói quen lao động nhỏ lẻ, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được cải thiện đáng kể”.

Nguồn:danviet.vn