Thái Nguyên: Đào cười, người héo
- Thứ tư - 06/02/2013 04:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làng nghề hoa đào Cam Giá, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 7km về phía Nam, được hình thành khoảng 20 năm về trước. Hiện, vùng đào này đang được Sở Khoa học Công nghệ triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất hoa bích đào, đào cảnh trên địa bàn phường với diện tích 3 ha của 85 hộ dân tham gia. Theo báo cáo sau 2 năm thực hiện dự án, tỷ lệ sống của hoa đào rất cao, đạt 98%, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt hiệu quả kinh tế đem lại cho các hộ tham gia mô hình đạt gần 500 triệu đồng/1ha. Toàn phường Cam Giá có 15 tổ dân phố đã được công nhận làng nghề hoa đào, với diện tích trồng đào khoảng 10ha.
Ông Nguyễn Văn Phương, ở tổ 7 là một trong các hộ tham gia dự án cho biết gia đình ông đã có kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa đào. Vườn đào của ông có hơn 1.000 gốc gồm cả đào thế, đào cây và đào bán cành. Đào cắt cành mang bán giá từ 200-500 nghìn đồng, đào cây giá từ 500 nghìn đến 4 - 5triệu đồng.
Ê hề đào cho thuê tại làng nghề đào Cam Giá, TP Thái Nguyên
Trước đây, đào trồng tại Cam Giá đều lấy giống từ Nhật Tân, theo dự án, các giống đào mới được đưa vào trồng gồm đào phai Hải Phòng, đào nhung Lạng Sơn, Đào Quảng Châu - Trung Quốc. Các hộ được hỗ trợ 60% giống hoa và 40% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng định mức quy định; được tập huấn kỹ thuật chăm sóc hoa đào và kỹ thuật xử lý ra hoa đúng Tết.
Các chủ vườn được tập huấn khoa học kỹ thuật nên mặc dù rét đậm kéo dài, đào Cam Giá vẫn nở rộ đúng vào Tết. Một số vườn có khách mua sớm khá được giá như tại nhà vườn Kiên Tuất ở tổ 9 đã cho thuê được hàng chục gốc với từ 6-10 triệu đồng/gốc. Nhiều chủ vườn cho biết mấy năm gần đây khách có xu hướng trưng đào từ rất sớm, khoảng trước Rằm tháng Chạp đã đến chọn đào. Tuy nhiên, rất ít vườn nằm ở vị trí thuận lợi và quen khách để bán được đào với giá cao. Chủ yếu các vườn đào nằm khá khuất nẻo và phân tán nên ít khách mua biết để tìm đến mua. Ông Nguyễn Văn Bình, ở tổ 15, công nhân gang thép nghỉ hưu mới bắt tay vào trồng đào được 2 năm nay.
Ông Bình chia sẻ nhờ chịu khó học hỏi và những người làm trước tận tình chỉ bảo chứ không giấu nghề nên vườn đào hơn trăm gốc của ông cũng khá đẹp, nở đúng vào Tết nhưng còn lúng túng chưa biết làm thế nào để bán. Vườn nhà ông Bình ở xa khu trung tâm làng nghề khó có khách đến mua, trong khi gia đình toàn người già cả, không có ai có thể ra ngồi chợ để bán, mặc khác số lượng đào nhà ông quá ít để thuê quầy tại chợ hoa.
Nhờ tích lũy được kinh nghiệm trong nhiều năm làm đào, ông Nguyễn Văn Lâm, tổ 15 chuyển hẳn sang làm đào cổ. Theo ông Lâm, làm đào không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần tỉ mỉ, cẩn thận, cùng công làm bỏ ra như nhau, đào cổ có giá trị hơn đào cành hàng chục lần. Thay vì làm hàng trăm gốc đào như mọi năm, năm nay ông tập trung chăm sóc vài chục gốc đào cổ, gốc ít tiền nhất cũng cho thu nhập gần 1 triệu đồng. Ông Lâm cho biết, làm đào cổ chỉ mất công đi tìm mua những cây đào già tuổi, lấy gốc về ghép mắt, mỗi Tết cho khách thuê trưng rồi lấy lại gốc. Gốc đào càng to, càng già càng có giá.
Nhiều hộ ở Cam Giá cũng đầu tư vào đào cổ, ước tính cả làng đào có hàng nghìn gốc đào hàng chục năm tuổi, đường kính gốc cả chục xăng ti mét, giá thuê 1 dịp tết dao động từ 6-10 triệu đồng. Nhiều hộ thu tiền tỉ từ đào Tết.
Hiện trong khu vực làng nghề có gần 200 hộ trồng hoa đào, hộ trồng ít khoảng hơn trăm cây, hộ trồng nhiều cũng lên đến hàng nghìn cây, cung cấp khoảng gần trăm nghìn cành đào cho thị trường trong dịp Tết Quý Tỵ. Tuy nhiên, hầu hết các chủ vườn đều rất khó khăn trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Một số hộ làm thủ tục thuê địa điểm bán hàng tại các chợ hoa song đa số các hộ tiện đâu bày bán đấy được chăng hay chớ, vì vậy, giá bán đào không thống nhất và khá thấp so với nhiều nơi khác.
Một số chủ vườn lo ngại việc bán phá giá hoa đào sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu thụ và sản xuất hoa đào. Nhưng để cạnh tranh, các nhà vườn này áp dụng phương thức “mua 1 tặng 1”, nghĩa là hễ thuê 1 cây cho cơ quan sẽ được tặng 1 cây cho gia đình.
Theo NNVN