Thâm canh cải tiến lúa VT-NA2
- Thứ hai - 08/04/2013 02:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không lo đầu ra, đầu vào
Từ vụ ĐX 2009-2010 đến nay, ngành nông nghiệp Bình Định đã đưa giống lúa VT-NA2 do TCty CP VTNN Nghệ An chọn tạo và cung ứng vào SX thử tại nhiều địa phương cho thấy giống có tiềm năng năng suất cao; chống chịu sâu bệnh, đổ ngã; thích ứng trên nhiều chân đất, mùa vụ; nhất là gạo chất lượng cao, phù hợp với sự khó tính của thị trường.
Trong vụ ĐX 2012-2013, giống VT-NA2 được đưa vào SX trên 3 CĐML tại các xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), Tây An (Tây Sơn) và Phước Sơn (Tuy Phước), diện tích 187 ha với 1.316 hộ tham gia. Ông Hồ Thiện, Phó Chủ nhiệm HTXNN Phước Sơn 1 (Tuy Phước) cho biết: “Cty VTNN Nghệ An cung ứng cho nông dân cả giống lẫn phân bón đến cuối vụ mới thanh toán. Mặc dù SX lúa thương phẩm nhưng vẫn được Cty bao tiêu sản phẩm với mức 1 kg = 1,1 kg.
Làm giống này chi phí đầu vào rất thấp, nhất là chỉ sạ 2,5 kg/sào (500 m2). Trong suốt vụ, chúng tôi chưa thấy cây lúa nhiễm bất cứ loại sâu bệnh nào. Tuy là lúa thuần nhưng cho năng suất cao, bình quân 75 tạ/ha. Cá biệt có những hộ thu đến 80 tạ/ha”.
Tham quan CĐML giống VT-NA2 tại xã Phước Sơn
Ông Trần Khánh Dư, Phó Chủ nhiệm HTXNN Hoài Mỹ cho biết thêm: “Vụ ĐX này, chúng tôi xây dựng CĐML với 100 ha làm giống VT-NA2. Đây là năm thứ 3 SX giống lúa này và nông dân ngày càng "hít". Hít vì lúa dễ canh tác, cho năng suất cao đã đành, bà con còn "hít" vì không phải lo vốn đầu tư, được bao tiêu sản phẩm giá cao. Do chúng tôi SX lúa giống nên được Cty thu mua 1 kg = 1,3 kg, lãi to”.
“Ngoài việc cho nông dân SX giống VT-NA2 vay phân, giống với khoảng gần 200 tỷ đồng/năm, Cty chúng tôi còn có nhà máy xay xát gạo công suất 11 tấn/giờ nên sẵn sàng bao tiêu hết sản phẩm cho bà con”, ông Trương Văn Hiền TGĐ TCty VTNN Nghệ An nói. |
Ông Hồ Ngọc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định trải lòng: “Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho nông dân luôn là mối trăn trở của những người có trách nhiệm. Dù có rất nhiều DN đến Bình Định hoạt động cung ứng giống, thế nhưng đa số chỉ “chăm bẵm” chuyện kinh doanh, không nói gì đến việc bao tiêu sản phẩm. Trước điều kiện thuận lợi của TCty VTNN Nghệ An mang lại, chúng tôi sẽ chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng tiếp tục đưa giống VT-NA2 và cả giống lạc vào SX trên CĐML trong thời gian tới”.
Thân thiện môi trường
Tại CĐML SX giống lúa VT-NA2 ở xã Phước Sơn, ngành nông nghiệp Bình Định còn phối hợp với Chương trình biến đổi khí hậu trong nông nghiệp (SNV) của Hà Lan hướng dẫn nông dân thực hiện phương thức thâm canh lúa cải tiến (SRI) gắn với thị trường tiêu thụ lúa gạo.
Với phương thức này, nông dân như được tiếp thêm sức, bởi năng suất lúa được tăng thêm, đồng thời giảm lượng sử dụng nước, giống, phân bón, thuốc BVTV và nhân công. Đặc biệt, quá trình SX sẽ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhờ sử dụng nước hợp lý.
“Trong thời tiết biến đổi khác thường, không có giống tốt, SX lúa khó thắng lợi. Quảng Ngãi từng đưa nhiều giống mới và SX nhưng chưa gặp loại giống thuần nào chỉ gieo sạ mật độ 2,5 kg/sào mà lại nở mạnh, cho bông hữu hiệu cao, năng suất vượt trội, gạo ngon như giống VT-NA2. Qua mô hình CĐML ở Phước Sơn (Bình Định), chúng tôi có cơ sở để về thực hiện xây dựng CĐML trên đất Quảng Ngãi”, ông Phạm Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Quảng Ngãi. |
Ông Hồ Thiện, Phó Chủ nhiệm HTXNN Phước Sơn 1 cho biết: “Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 5 sau khi sạ, chúng tôi hướng dẫn nông dân xả khô nước. Từ ngày thứ 6 - 20, cho nước vào ruộng với mực nước từ 2 - 3 cm, kết hợp bón phân đợt 1. Từ ngày 20 - 30 giữ mặt nước trong ruộng từ 3 - 5 cm. Từ ngày 30 - 40, rút hết nước ra, phơi ruộng khô vì thời điểm này lúa đã kín hàng.
Khi cây lúa đến giai đoạn 40 - 60 ngày tuổi, cho nước vào, giữ mực nước từ 3 - 5 cm, kết hợp bón phân thúc đòng. Từ ngày 60 - 80 là thời kỳ lúa có đòng lớn và trỗ bông nên giữ nước ở mực 3 - 5 cm. Từ ngày 80 - 95, lúa trỗ, vào chắc xanh, cần giữ nước ở mực 5 -7 cm. Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày, rút cạn nước để máy gặt dễ hoạt động, ít gây thất thoát lúa”.
Cũng theo ông Thiện, áp dụng phương thức trên, ngoài tiết kiệm được nước tưới thì quá trình sinh trưởng của cây lúa không hề bị ảnh hưởng. Những khi nước được rút khô, bộ rễ của lúa phát triển mạnh nên chống được đổ ngã. Theo tính toán của nông dân, lợi nhuận từ 1 ha lúa trong mô hình CĐML canh tác theo phương thức SRI có lãi hơn so ruộng ngoài mô hình là hơn 670.000 đ/sào.
Theo Nongnghiep.vn