Thăng trầm nghề nuôi trăn đất
- Thứ tư - 26/02/2014 22:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khó nhiều bề
Ông Nguyễn Phước Sanh, (Tư Sanh - PV), ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, có hơn 14 năm làm nghề nuôi trăn cho biết: “Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc nuôi dưỡng nên đàn trăn thường xuyên bị bệnh như đẹn miệng, sưng phổi... Trải qua vài lần thất bại và tích lũy kinh nghiệm từ từ mới có thành quả như hôm nay. Nghề này nói khó thì không khó, dễ không dễ, chỉ cần nắm được những đặc tính của loài sẽ trụ vững với nghề”.
Ông Tư Sanh tâm sự thêm: “Đã có lúc tôi cũng lao đao vì trăn rớt giá. Do trăn đất là loài động vật hoang dã nằm trong danh mục cấm mua bán, xuất khẩu, nhiều hộ đã phải chuyển sang nghề khác. Từ năm 2008 đến nay, nghề nuôi trăn được kiểm lâm cấp phép nên thị trường mua bán trăn bắt đầu nhộn nhịp trở lại”. Tuy nhiên, hiện nay việc buôn bán vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng bị thương lái ép giá khi xuất bán đồng loạt. Giá cả có khi xuống còn mức 240.000 đ/kg, ở giá này thì bà con nuôi số lượng lớn mới có lợi nhuận, còn với người nuôi nhỏ lẻ thì xem như bỏ công làm lời”.
Lý giải nguyên nhân, bà Trần Ngọc Hường, Trưởng ấp Xẻo Vông C cho biết: “Hiện, đầu ra sản phẩm không ổn định do chưa được bao tiêu và ký hợp đồng rõ ràng. Đáng nói hơn, tình trạng thu mua độc quyền gây khó khăn cho bà con, bởi lẽ toàn xã chỉ có một địa điểm thu mua tập trung. Lợi dụng đặc tính sinh sản theo mùa của trăn, bà con không thể gây nuôi con giống theo ý muốn vì vậy phải nuôi đồng loạt. Từ đó, thương lái cố tình ép giá khi vào vụ xuất bán”.
Mặt khác, thiếu vốn sản xuất cũng là một khó khăn chung của nhiều bà con nuôi trăn ở xã Hiệp Lợi. Bà Trần Ngọc Hường chia sẻ thêm: “Đồng vốn của hộ nuôi trăn nhỏ lẻ rất hạn hẹp vì đây là loại động vật hoang dã không nằm trong danh mục được hỗ trợ vốn từ ngân hàng chính sách. Bà con ai cũng thiết tha với nghề nên đã làm liều đăng ký vay bằng các đối tượng khác như heo, gà. Số vốn tối đa cũng chỉ 30 triệu đồng/hộ, nếu nuôi quy mô nhỏ thì chưa đủ làm chuồng trại nói chi đến mua con giống”.
Hướng đi mới cho người nuôi trăn
Bà Phạm Ngọc Hương cho biết: “Toàn ấp có khoảng 10 hộ nuôi trăn với thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm. Hộ thấp nhất cũng đạt từ 20-30 triệu đồng/năm”.
Nhưng để nghề này phát triển bền vững thì quan trọng nhất vẫn là thị trường tiêu thụ. Để trở thành hàng hóa thì người chăn nuôi phải có kinh nghiệm cũng như được tập huấn kỹ thuật. Hơn nữa, hiện nay, lượng trăn thịt xuất ra thị trường rất nhiều nên việc thương lái kén chọn dẫn đến tình trạng ép giá các hộ dân là điều dễ hiểu. Vì vậy, cần có phương án để đầu ra sản phẩm được bền vững, giúp người dân trụ vững với nghề là điều cần được quan tâm. Bà Trần Thị Châu, ấp Xẻo Vông C chia sẻ: “Cũng nhờ mô hình này, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo cách đây 3 năm, nhưng để có kinh phí tiếp tục chăn nuôi tôi rất mong sự hỗ trợ từ các ngành chức năng. Bên cạnh đó, địa phương cần xem xét tìm đầu ra ổn định để bà con mạnh dạn đầu tư và nghề nuôi trăn được bền vững hơn”.
Nắm được tâm tư, nguyện vọng, hiện chính quyền địa phương đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để hỗ trợ cho người nuôi trăn. Anh Hồ Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lợi đánh giá: “Mô hình nuôi trăn đất hiện nay cho hiệu quả kinh tế rất cao, đặc biệt đã giúp cho hơn 15 hộ thoát nghèo. Nhận thấy yêu cầu cấp thiết là giúp người nuôi trăn phát triển về quy mô, chất lượng trăn thịt cũng như quan tâm vấn đề đầu vào đầu ra sản phẩm, trong quý 3-2014, UBND xã Hiệp Lợi sẽ chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để thành lập Hợp tác xã tại ấp Xẻo Vông C hỗ trợ cho các hộ nuôi trăn. Trên cơ sở đó, xã sẽ có phương án tạo đầu ra bền vững”.
Từ 5-6 hộ ban đầu tại ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi (TX. Ngã Bảy) đến nay toàn xã Hiệp Lợi có trên 200 hộ nuôi trăn đất với tổng đàn trên 11.000 con trăn thịt và trăn để giống. Bình quân thu nhập từ 20-30 triệu đồng/hộ/năm. Cá biệt có hơn 10 hộ có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/hộ/năm.
Theo Báo Hậu Giang