Thắng từ mùa vụ đến hợp đồng
- Thứ tư - 25/02/2015 01:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2014, nông dân đã vui trở lại nhưng chưa đủ sức làm giàu
Nếu sụt giảm tăng trưởng nông nghiệp là đồng nghĩa với giảm thu nhập, giảm an sinh của người nông dân; không những giảm mức đầu tư cho sản xuất mà còn giảm cả sức mua máy, thiết bị kỹ thuật cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, sẽ khó giải phóng đôi vai, đôi tay người lao động nông thôn. Giảm thu nhập là nỗi sợ lớn của người nông dân, bởi nó lại đồng nghĩa với tăng mức nghèo, diện nghèo; là hàng ngày, mỗi bữa cơm ăn thiếu đi dinh dưỡng, là rét thêm khi trẻ em thiếu áo ấm tới trường; là nỗi lo của từng gia đình đến cộng đồng xã hội sẽ có tội phạm tăng lên. Nhìn rộng ra, giảm thu nhập là tăng bất ổn về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh quốc gia.
Từ nhận diện rõ 3 điểm yếu cốt tử: Nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán. Nông sản chất lượng thấp, giá thành cao. Nông dân chưa chuyên nghiệp. Nguyên nhân có nhiều: Là do cơ chế chính sách đầu tư, quy hoạch vùng miền sản xuất; là thực hành khoa học, kỹ thuật – công nghệ trong nông nghiệp; là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, là năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong guồng máy “tam nông”... Đảng, Chính phủ đã thấy rõ các vấn đề, đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy phát triển sản xuất, hỗ trợ hộ nông dân và một số vấn đề cơ bản về an sinh xã hội. Nhờ vậy năm 2014 này, nông nghiệp đã chặn đứng được đà suy giảm, tăng trưởng đã tăng trở lại, đạt mức 3,3%, xuất khẩu cán mốc 31 tỷ USD. Cơ giới hóa tăng nhanh ở các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch và sấy hạt chủ động...; chương trình xây dựng nông thôn mới, đã có 785 xã thành hiện thực. Năm 2014, nông dân đã vui trở lại, nhưng chưa đủ sức làm giàu.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới được 8 năm, nhưng không ít nhận diện vẫn “thức giấc mơ hồng”, say sưa với thành tích xuất khẩu đứng thứ 1,2,3... mà lãng quên “Vai trò người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Nông dân đang trong thế kẹt của 2 nút nghẽn lớn là: Thu nhập thì thấp và bán hàng mà không định đoạt được giá thị trường. Nông dân sẽ mãi nghèo nếu những nút nghẽn ấy cứ như chiếc “mai rùa” đằng đẵng trên lưng. Nhìn và đánh giá như vậy, có thể “khắt khe”, nhưng đó là một sự thật hiện hữu, những rào cản như bức tường thành đang đòi hỏi cả “trí” và “lực”, cả quyết tâm và hành động để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, với mục tiêu: Nông nghiệp là hiện đại; Nông dân là chủ thể và Nông thôn là mới.
4 nhóm giải pháp chính
- Trước hết là đổi mới tư duy tiếp cận “làm giàu, xóa nghèo”, hỗ trợ nông dân với 4 hoạt động chính: Thông tin tuyên truyền; đào tạo tập huấn; xây dựng và nhân rộng mô hình khoa học công nghệ tiên tiến; hoạt động về tư vấn và các dịch vụ khác để giúp cho hoạt động sản xuất của nông dân theo chuỗi giá trị hàng hóa. Việc đổi mới tư duy phải bỏ được nếp nghĩ: Nếu trước đây hoạt động sản xuất theo ngắn hạn hàng năm, thì nay phải đổi sang phương pháp hoạt động theo các chương trình, dự án sản xuất hàng hóa trung, dài hạn và dứt khoát phải căn cứ vào “tín hiệu” của thị trường. Các hoạt động trung và dài hạn này đều phải lấy nội dung, chương trình từ tái cơ cấu nông nghiệp để quy hoạch và xây dựng kế hoạch; không làm dàn trải theo mô hình nông hộ tách biệt cộng đồng, kể cả khu vực phát triển và vùng nghèo.
- Đẩy mạnh việc tiếp thu và thực hành khoa học kỹ thuật – công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu thay đổi tiếp cận theo cách từng kỹ thuật đơn lẻ hiện nay sang cách tiếp cận theo gói kỹ thuật tổng thể, gọi là cách tiếp cận hệ thống. Trước đây, chúng ta tiếp cận kỹ thuật riêng thì bây giờ tiếp cận cả góc độ kỹ thuật và kinh tế. Trước đây, chủ yếu là hướng dẫn về ứng dụng kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất. Bây giờ hoạt động sản xuất phải chỉ ra được nơi tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Qua đó, nông dân biết cách tìm hiểu thị trường ở đâu, sản xuất thế nào, bao nhiêu là vừa đủ? Trước khi họ tiến hành ứng dụng mô hình.
- Tập trung giúp nông dân xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuẩn của quốc tế và khu vực, theo quy chuẩn của hợp đồng. Trước hết, ưu tiên cho nông sản xuất khẩu chủ lực như: Gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản và trái cây đặc sản của nông nghiệp nhiệt đới như: Dừa, vú sữa, chôm chôm, vải, thanh long, nhãn, sầu riêng..., để thâm nhập sâu hơn vào thị trường lớn, có giá trị lợi nhuận cao như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Trung Đông. Hiện tại, nông sản Việt Nam mới có nhãn hiệu, còn thương hiệu quốc gia, quốc tế rất hiếm và quá ít. Khi giao thương với quốc tế nông sản không có thương hiệu cũng đồng nghĩa với không có hợp đồng.
“Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh”. Muốn “Giàu” và “Thịnh” thì “tam nông” nước ta phải khắc phục cho được những mặt tồn tại và yếu kém vốn có từ bên trong sau nhiều năm tích tụ lại; phải chấp nhận thách thức mới trong năm 2015 - khi khối cộng đồng ASEAN được hình thành một thị trường chung có cạnh tranh quyết liệt. Do chủng loại hàng nông sản giống nhau, tâm lý và tập quán tiêu dùng giống nhau; nhưng hàng hóa nông sản Việt Nam bị hạn chế cả hình thức, mẫu mã, thương hiệu, chất lượng, đặc biệt là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Về người nông dân, xét về trình độ, kỹ năng, cách tiếp cận thị trường, kỷ cương lao động... thì nông dân Việt Nam còn thấp, chưa ngang bằng nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, nỗ lực hành động cho người nông dân, đưa người nông dân đến đích thiết thực nhất là “tăng thu nhập”; Hội Nông dân phải dẫn dắt nông dân giành thắng lớn mùa vụ đến hợp đồng!
nguồn: danviet.vn