Thành công OCOP - Kinh nghiệm của Quảng Ninh

Thành công OCOP - Kinh nghiệm của Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) một cách bài bản và đã đạt những thành công nhất định.

 

Qua chương trình, thương hiệu nông sản được nâng lên rõ rệt, các sản phẩm được tiêu thụ mạnh và bền vững.

Kết quả bước đầu

Chương trình OCOP được Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm OVOP” của Nhật Bản và Chương trình “Mỗi cộng đồng một sản phẩm OTOP” của Thái Lan. Đây là một chương trình phát triển kinh tế rất phù hợp đối với khu vực nông thôn.

 Mục tiêu và nội dung chính của Chương trình là tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng, nói cách khác gọi là phát triển kinh tế theo hướng nội sinh, thông qua đó nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và phát triển một cách bền vững.

Sau 3 năm (2013-2016) triển khai, chương trình OCOP đã đạt được kết quả quan trọng: Đã thành lập được hệ thống tổ chức (Ban Điều hành OCOP) ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; Ban hành được Bộ công cụ quản lý chương trình...

Đặc biệt, chương trình xúc tiến thương mại OCOP được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, một số thị trường trọng điểm trong nước (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đồng bang sông Hồng, Tây Bắc) và tại thị trường Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây, Vân Nam) thông qua các kỳ triển lãm, hội chợ thương mại.

08-21-00_imge011
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (trái) thăm gian hàng OCOP
 

Riêng Hội chợ OCOP thường niên đã được tổ chức 4 kỳ tại TP Hạ Long vào dịp Tết Nguyên đán và hè (phục vụ du lịch). Hội chợ OCOP trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh, đã tạo được dư luận xã hội tốt trong nhân dân và du khách, thiết thực đối với các DN, HTX, qua đó khẳng định chương trình OCOP đã đi đúng hướng và bước đầu đạt hiệu quả và theo nguyện vọng của người tiêu dùng cũng như của các doanh nghiệp, HTX

Hiệu quả rõ nét của chương trình OCOP là có 180 DN, HTX, cơ sở hộ sản xuất tham gia. Về sản phẩm, hiện đã có 210 sản phẩm, trong đó đã đánh giá tiêu chuẩn cho 121 sản phẩm. Các sản phẩm dịch vụ như du lịch nông thôn, lễ hội hoa ở các địa phương Hoành Bồ, Bình Liêu, Ba Chẽ,...

Các sản phẩm OCOP đều nằm trong nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia (tôm thẻ chân trắng, thủy sản chế biến); nhóm sản phẩm lợi thế địa phương (lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, dược liệu Ba kích,...) và nhóm đặc sản vùng miền (miến dong, gạo nếp, gạo thảo dược, hoa quả, các món ăn ngon, lạ,...).

Doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP trong 03 năm đạt 672,296 triệu đồng (Đề án đề ra 200.000 triệu đồng) nhờ gia tăng về quy mô sản xuất và giá bán, đóng góp tích cực cho tăng thu nhập của nhân dân, các sản phẩm giá trị bình quân tăng 20%.

Bài học kinh nghiệm

Từ việc triển khai cho thấy, Chương trình OCOP là một chương trình mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ, là một hình thức phát triển kinh tế - xã hội không chỉ vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị thông qua việc thực hiện thúc đẩy, phát triển các tổ chức kinh tế (tập trung tái cấu trúc và thành lập mới DN, HTX), thông qua việc phát huy nguồn lực địa phương và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP.

Do vậy triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân. Bài học kinh nghiệm rút ra là:

- Khi triển khai Chương trình cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình OVOP và OTOP, học tập về nguyên tắc chứ không dập khuôn máy móc, có sự đánh giá và điểu chỉnh từng bước trong quá trình thực hiện cho phù hợp với thực tiễn kinh tế thị trường trong nước và địa phương.

- Chương trình phải được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện; Thiết lập được tính pháp lý của toàn bộ chương trình; Xây dựng được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển DN, HTX, hỗ trợ phát triển sản phẩm trên nền tảng hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng KHCN, công tác hướng dẫn lập và quản lý các dự án đầu tư, các dự án sản xuất.

- Phải có sự vào cuộc chỉ đạo nhiệt tình, tâm huyết của lãnh đạo trong quá trình triển khai. Tính hệ thống và tổ chức của chương trình phải được tổ chức chặt chẽ và được trao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp để thực hiện. Phải khởi động, thúc đẩy được sự đề xuất, tính sáng tạo từ dưới lên (từ nhân dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX).

- Thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm, cùng với thiết kế sản phẩm, mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm là rất quan trọng.

- Xây dựng được thương hiệu (hình ảnh nhãn hiệu chương trình, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý sử dụng) và bảo vệ chất lượng sản phẩm của chương trình thông qua việc chấm điểm sản phẩm theo quy định.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP.

Những kết quả của chương trình OCOP được triển khai thành công bước đầu tại Quảng Ninh và hiệu ứng lan tỏa của chương trình trong cả nước hiện nay, tin tưởng chương trình OCOP sẽ có các bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ không chỉ ở khu vực nông thôn mà còn ở cả khu vực đô thị trong phạm vi cả nước, nhằm đóng góp tích cực và đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Theo Đặng Duy Hậu/nongnghiep.vn