Thành tích xuất gạo: Áp chiêu bán rẻ-mua rẻ, nông dân khóc

Thành tích xuất gạo: Áp chiêu bán rẻ-mua rẻ, nông dân khóc
Những Tổng công ty lương thực đang phát triển theo cơ chế độc quyền kép, là rào cản các DN tư nhân tham gia vào thị trường lúa gạo VN.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nêu quan điểm, "Câu chuyện nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn là bài toán khó. Để người nông dân sống được và có lãi trên mảnh ruộng của mình thì ngoài những chính sách hỗ trợ người nông dân, cần phải xóa bỏ sự độc quyền xuất nhập khẩu, độc quyền phân phối của các doanh nghiệp nhà nước".

Quy trình hoàn hảo để "ép giá" nông dân

Trong khoảng 30 năm đổi mới tình hình sản xuất nông nghiệp có bước chuyển biến đáng khích lệ, đời sống người dân có cải thiện. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hiệu quả sản xuất suy giảm, đời sống nông dân nhiều nơi khó khăn hơn. Ngay tại khu vực Đồng bằng Sông Hồng, người trồng lúa cũng không có lãi, sự tích lũy phụ thuộc vào người thân đi làm xa gửi về. 

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn

Nếu so sánh doanh thu trên 1ha đất trồng nông nghiệp, cây lúa được đánh giá là đem lại hiệu quả thấp nhất. Doanh thu của lúa được khoảng 60 triệu/ha/năm, lãi suất khoảng 20%, tức là người nông dân chỉ được lãi khoảng 12 triệu/ha/năm. Trong khi đó, cafe được cho là cây trồng đem lại doanh thu cao nhất khoảng 200 triệu/ha/năm, lãi suất đạt 50% (lợi nhuận khoảng 100 triệu/ha/năm). 

Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Đầu tiên, phải xét đến các yếu tố đầu vào của việc sản xuất lúa gạo.

Về đầu vào, giá giống, phân bón, nhất là giá thuê nhân công ngày càng tăng. Ngoài ra, mọi rủi ro về thời tiết, khí hậu... ảnh hưởng tới mùa vụ, người trồng lúa đều phải tự gánh chịu.  

Làm ra hạt gạo đã nhọc nhằn, rủi ro như vậy, việc tiêu thụ thì sao? Lâu nay, Việt Nam luôn tự hào với những thành tích xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam luôn trúng thầu các hợp đồng xuất khẩu này với mức giá rất thấp. Nói cách khác, Việt Nam luôn dẫn đầu trong cuộc chiến giảm giá gạo. 

Nhà xuất khẩu gạo bán với giá rẻ, đồng nghĩa với việc thu mua của nông dân với giá rẻ. Nông dân không được hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch, thương lái ép giá thế nào đều phải bán, nếu không muốn... cho vịt ăn. Hậu quả dễ thấy là người nông dân bị ép giá vô lối, không sống được dù đã cày cuốc vất vả trên mảnh ruộng của mình. 

Độc quyền + lợi ích nhóm = Khuyết tật lớn nhất?

Đến đây, câu hỏi tiếp theo phải đặt ra là, tại sao tình trạng xuất khẩu giá rẻ bằng cách thu mua lúa gạo giá rẻ, ép chết người nông dân có thể tồn tại? Chắc chắn không phải là... lỗi của người nông dân, ham năng suất bỏ qua chất lượng, khiến sản phẩm làm ra chỉ có thể tiêu thụ ở những thị trường thấp cấp.  

Tôi nói như vậy là bởi lẽ, tháng 4/2014, báo chí đã phản ánh thông tin, sau vụ thu hoạch lúa Nàng thơm Chợ Đào năm 2013-2014, người dân xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (Long An) chỉ bán được khoảng 90 tấn, còn tồn kho khoảng trên 120 tấn không tiêu thụ được. Từ trường hợp này có thể thấy, người nông dân dù có muốn trồng gạo chất lượng cao, nếu không có đầu mối thu mua thì cũng chỉ còn biết khóc trên đống lúa gạo đặc sản vừa thu hoạch. 

Làm thế nào để người nông dân sống được?
Làm thế nào để người nông dân sống được?

Trong khi đó, các Tổng công ty lương thực, nắm hầu hết thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện đang hoạt động như thế nào? Đây là một trong những khuyết tật lớn nhất, trì trệ lớn nhất sau 30 năm đổi mới. Trước đây, hoạt động của những Tổng công ty này được đánh giá là tốt nhưng hiện nay lại đang phát triển theo cơ chế độc quyền kép: độc quyền thu mua và xuất khẩu lúa gạo, đồng thời là độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, là rào cản các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam. 

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có quá nhiều quyền trong việc đề xuất chính sách, song lại hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước, làm việc phân phối xuất khẩu gạo. Hiệp hội không có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, cũng không quan tâm đến nông dân mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu. 

Như vậy, coi như hai Tổng công ty lương thực I và II độc quyền thu mua, Hiệp hội lương thực lại độc quyền phân phối quota xuất khẩu. Ngay cả hợp đồng lúa gạo của nhà nước cũng phải qua tay các đơn vị này, người nông dân không có được cơ hội, tiếp cận với đối tác, doanh nghiệp khác để tạo sự cạnh tranh về giá cả. Hệ quả là lợi ích tạo ra đều về hết tay các đơn vị này, thua thiệt người nông dân phải gánh là đương nhiên. Tất nhiên, ở đây không thể loại trừ yếu tố lợi ích nhóm. 

Để cứu người nông dân phải...

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy, để người nông dân trồng lúa gạo có thể làm giầu được bằng việc trồng lúa gạo, không thể để tiếp tục tồn tại tình trạng độc quyền thu mua và xuất khẩu, dìm giá đẩy hết thua thiệt về phía người nông dân. Điều cần làm ngay là phải có chính sách cải tổ hai Tổng công ty kinh doanh xuất nhập khẩu và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Vậy, cải tổ theo hướng nào? Thứ nhất: Các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải cổ phần hóa. Nhà nước không nên nắm cổ phần chi phối, mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia. 

Thứ hai, cho doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng kinh doanh xuất khẩu lúa gạo. 

Thứ ba, Hiệp hội phải thu nạp tất cả các đại diện doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và đại diện người sản xuất lúa gạo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải thể hiện đúng vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không thể hoạt động như một tổ chức nhà nước. 

Thứ tư, tham gia đấu giá để xuất nhập khẩu công khai, minh bạch. Từ đó, xóa bỏ toàn bộ độc quyền kinh doanh xuất nhập khẩu gạo của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ độc quyền phân phối hạn ngạch xuất khẩu của Hiệp hội lương thực. 

Để làm được việc này không cần thời gian, không cần tiền của mà chỉ cần thay đổi yếu tố con người và đổi mới thể chế. Cần có một tổ chức độc lập, không chỉ có ngành công thương, nông nghiệp mà cần phải có cả các chuyên gia nông nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng tham gia xây dựng đề án cụ thể.  

Tôi xin nhấn mạnh, nếu còn tồn tại doanh nghiệp nhà nước kiểu hai Tổng công ty lương thực I, II và kiểu hoạt động mang tính nhà nước của Hiệp hội lương thực thì đó còn là rào cản cho phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa.

Bởi vậy, chúng ta phải cải tổ triệt để các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lúa gạo và Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhằm xóa bỏ mọi độc quyền và lợi ich nhóm trong kinh doanh tiêu thụ lúa gạo, đảm bảo sản xuất hàng hóa lúa gạo của nước ta được vận hành theo chuẩn mực của cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản xuất lúa gạo hàng hóa, nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo của Việt Nam, tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng lúa. 

Nguyễn Vũ (ghi) 
Theo baodatviet.vn