Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM ở TP Hà Nội
- Chủ nhật - 08/04/2012 04:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình trồng hoa trong nhà đem lại thu nhập cao cho người nông dân tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh : TRẦN HẢI |
Diện mạo nông thôn khởi sắc
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, hai năm qua, thành phố Hà Nội tích cực triển khai xây dựng mô hình NTM tại các huyện ngoại thành. Ngoài xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) được Ban chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương chọn là điểm, các xã Đại Áng (huyện Thanh Trì), Song Phượng (huyện Đan Phượng) và Mai Đình (huyện Sóc Sơn) là các xã làm điểm của thành phố, các huyện đều đang tích cực triển khai các bước xây dựng NTM. Đến nay 19/19 huyện, thị xã đã khảo sát, lập đề án xây dựng NTM cấp huyện; 325 xã đã lập xong đề án xây dựng NTM cấp xã. Bên cạnh đó, 251 xã đã lập xong quy hoạch và 150 xã đang tiến hành triển khai lập quy hoạch...
Nhờ sự khẩn trương đó mà chương trình xây dựng NTM được triển khai sôi nổi và rộng khắp địa bàn ngoại thành, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn. Xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), năm 2009 khi triển khai chỉ có một tiêu chí đạt là tình hình an ninh trật tự địa phương ổn định. Các tiêu chí còn lại đều ở mức độ thấp và là những tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn. Sau hai năm, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Tăng trưởng kinh tế của xã đạt 23%/năm; thu nhập đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm (tăng hơn hai lần so năm 2009). Xã không còn hộ đói, số hộ nghèo đã giảm từ 14,98% xuống còn 4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng thương mại dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; giảm nông, lâm, ngư nghiệp.
Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) khi mới triển khai xây dựng NTM, cũng chỉ có hai tiêu chí đạt, thì nay đã hoàn thành 16/19 tiêu chí. Xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) đạt 13/19 tiêu chí và xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) đạt được 12/19 tiêu chí. Ngoài các xã nói trên, 11 xã là mô hình điểm của các huyện, thị xã dù mới triển khai xây dựng NTM được một năm cũng đạt từ 10 đến 13 tiêu chí...
Tới thăm các xã này, chúng tôi thấy một bộ mặt nông thôn tươi mới. Đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa, khang trang, sạch đẹp. Những ngôi trường mới ríu rít tiếng học sinh. Người dân hồ hởi trước vận hội mới. Cánh đồng trồng hoa thôn Tháp và thôn Thu Quế (xã Song Phượng) đi mỏi chân, vẫn thấy ngút ngàn hoa. Chị Tạ Thị Hải, Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Song Phượng cho chúng tôi biết: Xã đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa từ nhiều năm trước, mỗi hộ gia đình bây giờ chỉ còn một, hai thửa rộng hàng nghìn m2. Đó là điều kiện thuận lợi để xây dựng nên những mô hình trồng hoa cao cấp. Nếu được chăm sóc theo đúng kỹ thuật, một sào trồng hoa sẽ cho giá trị bằng 20 mẫu lúa. Xã còn có 10 ha trồng rau của 30 hộ dân được chuyển đổi từ diện tích trồng lúa năng suất thấp. Thu nhập từ trồng rau sạch cao gấp bảy, tám lần so với cấy lúa. Chủ trương của xã là sẽ mở rộng diện tích khu chuyển đổi này lên 32,5 ha. Bà con nhân dân trong xã rất phấn khởi. Một nền nông nghiệp công nghệ cao đang dần hình thành nơi đây.
Khó dồn điền đổi thửa ở các huyện ven đô
Từ kết quả đạt được tại các địa phương nêu trên, có thể thấy rằng, những địa phương nào tích cực triển khai quy hoạch NTM và sớm hoàn thành việc dồn điền đổi thửa thì sẽ thuận lợi và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, đây là lý do khi triển khai xây dựng NTM, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Đan Phượng đã chỉ đạo 15/15 xã hoàn thành việc lập quy hoạch NTM. Nhờ tích cực thực hiện dồn điền, đổi thửa, huyện triển khai mười dự án trồng bưởi Diễn, rộng 340 ha ở các xã Đan Phượng, Thọ An, Hạ Mỗ, Thượng Mỗ, Liên Hồng, Phương Đình, Thọ Xuân, Trung Châu, Đồng Tháp; mười dự án rau an toàn ở chín xã với diện tích gần 56 ha và dự án trồng hoa tại xã Tân Lập, diện tích 30,8 ha... Huyện Mê Linh, mặc dù không có xã nào được chọn để làm điểm của thành phố, nhưng cũng rất tích cực triển khai công tác quy hoạch. Giữa tháng 3-2012, huyện là địa phương đầu tiên của thành phố công bố quy hoạch NTM. Huyện chủ động xây dựng quy hoạch theo phương châm được đến đâu, làm gọn đến đó.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đạt được kết quả như trên vì công tác dồn điền đổi thửa ở Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là ở những huyện ven đô, có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp luôn bị thu hẹp để triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu đô thị, công nghiệp... Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết: Phần lớn những địa phương không thể dồn điền đổi thửa hoặc có tỷ lệ dồn điền đổi thửa đạt tỷ lệ thấp là những huyện ven đô như: Thanh Trì (0%), Từ Liêm (0%), Gia Lâm (8,17%)...
Chúng tôi đến huyện Thanh Trì để tìm hiểu việc dồn điền đổi thửa đã được thành phố chỉ đạo hơn mười năm qua, nhưng vẫn hầu như không có chuyển biến. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Đặng Thị Hiền cho biết: "Việc dồn điền đổi thửa khó có thể thực hiện được ở địa bàn huyện, do tốc độ đô thị hóa rất cao trên địa bàn. Một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý giữ đất, chờ khi triển khai các dự án để được nhận tiền bồi thường. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể nhân dân đã rất tích cực vận động, nhưng người dân mới chỉ dừng lại ở hình thức góp đất, cho thuê đất để sản xuất tập trung. Huyện đã có đề xuất thành phố chỉ nên chọn những khu vực sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định để thực hiện dồn điền đổi thửa".
Huyện Hoài Đức có 1.600 ha đất nông nghiệp được quy hoạch phục vụ việc triển khai các dự án phát triển đô thị. Vì thế, ở nhiều xã, người dân rất băn khoăn về tương lai của mảnh đất mà mình sẽ đầu tư canh tác. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định trục không gian Hồ Tây - Ba Vì đi qua địa bàn huyện Hoài Đức. Lãnh đạo huyện băn khoăn chưa rõ "trục không gian này" sẽ có diện mạo thế nào vì nếu được thực thi, nó sẽ "ngốn" rất nhiều đất của Hoài Đức. Điều này ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, mà cụ thể là vấn đề sử dụng đất trong xây dựng NTM. Huyện Quốc Oai có 14 nghìn ha đất tự nhiên, nhưng có hơn 7.000 ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp đã được quy hoạch làm các dự án nhà ở, khu công nghiệp... Hiện nay, nhiều đất sản xuất nông nghiệp xen kẹt, nhỏ lẻ ở các khu đất dự án, cho nên việc dồn điền đổi thửa là vấn đề nan giải đối với huyện. Thực trạng này cũng xảy ra ở các huyện Gia Lâm, Từ Liêm, những địa bàn có rất nhiều dự án chung cư, cầu, đường được triển khai trong những năm qua và trong những năm tới. Lo ngại của người dân không phải không có cơ sở. Vấn đề đặt ra là cần phải có quy hoạch rõ ràng, những địa bàn nào có công trình xây dựng, những địa bàn nào sản xuất nông nghiệp ổn định, thì người dân mới yên tâm về việc dồn điền, đổi thửa, đầu tư phát triển sản xuất trên mảnh đất của mình được. Từ thực tế này, thành phố Hà Nội cần có sự điều chỉnh chủ trương phù hợp đặc điểm từng địa bàn, chỉ nên thực hiện dồn điền đổi thửa ở những xã, những khu vực mà diện tích canh tác nông nghiệp đã ổn định. Còn nếu cứng nhắc thực hiện ở tất cả các xã theo phương thức giống nhau thì sẽ khó hoàn thành mục tiêu dồn điền đổi thửa trong năm 2012 như đã đặt ra.
Để xây dựng nông thôn mới bền vững
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thanh Vân, xây dựng NTM ở Hà Nội hiện còn những tồn tại, hạn chế là: Nguồn lực thực hiện xây dựng NTM chủ yếu vẫn dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách; việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đa dạng phương thức huy động nguồn lực trong nhân dân. Việc lập Đề án xây dựng NTM ở các xã chưa đáp ứng đúng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân trong xã, chưa sát với thực tiễn địa phương, chỉ nặng về xây dựng hạ tầng. Quá trình triển khai xây dựng NTM ở cơ sở còn quá chú trọng vào thực hiện các dự án về xây dựng cơ bản, mà chưa tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vệ sinh môi trường và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn... Những tồn tại này cần sớm được khắc phục thì xây dựng NTM mới đạt hiệu quả bền vững.
Thành phố Hà Nội chỉ đạo, trong năm nay, 401 xã của thành phố phải hoàn thành xây dựng quy hoạch NTM trình HĐND thành phố phê duyệt, để làm cơ sở cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách. HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về chính sách về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn; cơ chế huy động nguồn lực và sử dụng nguồn vốn để thực hiện đề án xây dựng NTM. 19 mô hình xã chọn làm điểm được thành phố ưu tiên nguồn lực và nhân lực để tập trung thực hiện cho đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, thành phố tập trung huy động các nguồn lực khác đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong đó ưu tiên đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách cho công tác lập đề án, quy hoạch, các dự án phát triển sản xuất và các công trình hạ tầng đã và đang thực hiện để sớm đưa vào khai thác sử dụng. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM dưới nhiều hình thức (bằng tiền, ngày công, đất đai, vật tư, hiện vật...). Các cấp, ngành phải có trách nhiệm phối hợp giúp cơ sở giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về xử lý đất xen kẹt nhằm đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất ở để tạo nguồn thu cho cơ sở.