“Thay đổi tư duy chiến lược, hành động mau lẹ hơn để thúc đẩy xuất khẩu”
- Thứ hai - 23/04/2018 05:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công thương. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.
Quang cảnh hội nghị. Nguồn: VGP
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như: Điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8).
Nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như: Thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%; hạt điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%...
Năm 2017, Hà Tĩnh có xuất khẩu sản phẩm bao bì của công ty cổ phần Sao Mai
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và một số địa phương có thế mạnh xuất khẩu đã kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc; bàn giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, cần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho xuất khẩu, nhất là công tác thông quan hàng hóa.
Thứ hai, trong xuất khẩu, chi phí đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, các loại chi phí đều giảm thì mới cạnh tranh được.
Thứ ba, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới đủ sức cạnh tranh xuất khẩu. Chất lượng cần được làm bài bản, nghiêm túc. Phải tạo nên một phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân về nâng cao chất lượng xuất khẩu.
Thứ tư, phải nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất, quy hoạch phát triển sản xuất. Sản xuất cái mà nước bạn cần chứ không phải sản xuất cái mà địa phương cần.
"Trong bối cảnh hiện nay, quốc tế có sự thay đổi lớn nên chúng ta phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ hơn để đưa xuất khẩu đi lên" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương, doanh nghiệp hợp tác liên kết cùng phát triển, trên cơ sở cùng có lợi, nhất là các tỉnh có điều kiện. Chính vì vậy, cần xây dựng những vùng chiến lược để có thủ lĩnh chiếm lĩnh xuất khẩu, chủ động củng cố quan hệ quốc tế để phát triển thị trường xuất khẩu...
Tại Hà Tĩnh, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn những năm qua được tỉnh đặc biệt quan tâm. Giá trị xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 – 2015 tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 13,97%/năm. Năm 2011, giá trị xuất khẩu đạt 94,5 triệu USD thì năm 2017 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 259 triệu USD. Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có trên 100 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Hà Tĩnh gồm thuốc tân dược, dăm gỗ, gỗ, chè, vật liệu xây dựng và nông thủy sản các loại... Trong đó, thị trường xuất khẩu của Hà Tĩnh là: Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan... |