Thêm động lực mới để xóa nghèo bền vững
- Thứ năm - 01/11/2012 21:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ nguồn vốn ưu đãi được vay, hàng triệu hộ nghèo trong cả nước đã có vốn để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. |
Không riêng gì các hộ nghèo và các gia đình trong diện chính sách mà hơn 86 triệu dân trong cả nước đều rất phấn khởi, trân trọng sự tận tâm phục vụ của NHCSXH. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được vẫn còn một số điều bất cập và hạn chế cần sớm được khắc phục, hoàn thiện để tăng thêm điều kiện thuận lợi cho hoạt động xóa nghèo, tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích to lớn, bền vững hơn.
Trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII diễn ra cuối năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 1.678 đơn kiến nghị của cử tri cả nước tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra theo thư kiến nghị của cử tri và đã có báo cáo tổng hợp kết quả trình Quốc hội xem xét. Theo đó, các kiến nghị tập trung vào một số vấn đề như: nhu cầu vay vốn ngày càng lớn nhưng nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp, thiếu ổn định cho nên theo quy định mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 30 triệu đồng/hộ, nhưng thực tế bình quân cả nước mới được 14,9 triệu đồng; nguồn vốn vay một số chương trình chưa được cấp kịp thời; mức vốn cho vay một số chương trình còn thấp so với mức biến động giá cả trên thị trường tự do; trình độ, năng lực sử dụng vốn vay ở nhiều gia đình, cử tri miền núi chưa có hiệu quả; 114 xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của 13 tỉnh, thành phố chưa được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi; cán bộ, viên chức đang hưởng mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng có con đi học đại học, có nhu cầu vay vốn nhưng vẫn không được vay. Hiện tại đã có bảy bộ, ngành trực tiếp đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo.
Từ thực tế khảo sát, điều tra theo đơn kiến nghị, phản ánh của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã có một số kiến nghị cụ thể bổ sung, hoàn thiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã và đang áp dụng hiện nay. Ðó là: Cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành về chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có thu nhập bình thường nhưng có hai con đi học đại học, cao đẳng, dạy nghề trở lên được vay vốn từ NHCSXH; Cần có những quy định cụ thể về cơ chế tạo lập nguồn vốn cho vay ưu đãi ngày một lớn và ổn định hơn. Trước mắt, bố trí đủ 4.000 tỷ đồng từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo và chuyển 12.000 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý thành nguồn vốn cấp cho NHCSXH theo đúng Văn bản số 14/TTg ngày 25-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ; Nghiên cứu mở rộng đối tượng được thụ hưởng tín dụng ưu đãi lớn đối với những gia đình khó khăn vùng bãi ngang ven biển, tại các khu tái định cư, gia đình có công với cách mạng. Theo đó, nâng mức cho vay ở một số chương trình phù hợp mức trượt giá, trước hết là vay làm nhà ở, vay làm công trình NS và VSMTNT... Ðối với gia đình có mức thu nhập trung bình, có hai con trở lên đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, đề nghị được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà các đối tượng HSSV hiện đang thụ hưởng, sát lãi suất thị trường. Ðề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, tổng hợp, bổ sung kịp thời các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo làm cơ sở cho NHCSXH thực hiện Chương trình tín dụng HSSV vay vốn học tập đúng đối tượng theo quy định.
Tất cả những kiến nghị của các cử tri đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổng hợp, xem xét gửi sang Chính phủ và đã có một số thông tin phản hồi. Mới đây nhất là ngày 4-7-2012, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản và thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp 2.500 tỷ đồng cho NHCSXH để cho HSSV nghèo vay. Tiếp đó, ngày 10-7, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020" với mục tiêu xuyên suốt là ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước nhằm bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Và ngày 25-9, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2367/QÐ-BTC về thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 236 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã quyết định bổ sung hai dự toán chi đầu tư phát triển (chi cấp vốn cho vay) năm 2012 cho NHCSXH 1.035 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại để cho vay HSSV và ứng trước dự toán năm 2013 cho NHCSXH 1.465 tỷ đồng.
Tiếng nói, kiến nghị của cử tri đã được Ðảng và Nhà nước ghi nhận, xem xét sớm đưa vào cuộc sống phục vụ lợi ích quốc gia. Ðây là một niềm vui, động lực lớn để cả tập thể gần 9.000 cán bộ viên chức trong hệ thống NHCSXH hướng về cộng đồng người nghèo và các đối tượng chính sách, thực hiện tốt công việc được Ðảng và Nhà nước giao phó. Dự kiến năm 2012 này số hộ nghèo giảm 1,76%, góp phần làm sáng thêm bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam trong công cuộc đổi mới hội nhập.
Nguồn:nhandan.com.vn