Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Vẫn còn “nhìn trước ngó sau”
- Thứ bảy - 11/05/2013 22:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân chưa mặn mà
Tại hội nghị sơ kết thí điểm BHNN hôm qua (9/5), Bộ Tài chính cho biết, sau gần 2 năm thực hiện Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai BHNN, nông dân vẫn chưa mặn mà với chủ trương được xem là ưu việt này. Tính đến 30/4/2013, mặc dù việc thí điểm BHNN đã triển khai ở tất cả các tỉnh, TP trong cả nước, nhưng chỉ có 234 nghìn hộ dân tham gia ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó 80% hộ nghèo). Tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 5,4 nghìn tỷ đồng, phí bảo hiểm là 303 tỷ đồng.
Cụ thể, bảo hiểm cây lúa tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang với tổng diện tích trồng lúa đã tham gia bảo hiểm là hơn 45 nghìn ha, 189 nghìn hộ tham gia, tổng giá trị được bảo hiểm gần 1.500 tỷ đồng.
Về bảo hiểm vật nuôi tại các tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Hà Nội với tổng số vật nuôi tham gia bảo hiểm là 623 nghìn con, 29 nghìn hộ tham gia, tổng giá trị được bảo hiểm 500 tỷ đồng.
BHNN muốn được triển khai rộng rãi, thì cần sửa đổi nhiều cơ chế
Bảo hiểm thủy sản tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau với tổng diện tích tham gia bảo hiểm là 5,5 nghìn ha, 15 nghìn hộ tham gia, tổng giá trị được bảo hiểm là 2,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã phát sinh bồi thường 354 tỷ đồng.
Mặc dù số hộ dân tham gia chưa nhiều, diện tích tham gia bảo hiểm chưa lớn, số lượng vật nuôi, thủy sản tham gia bảo hiểm chiếm tỷ lệ thấp, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, đây là những kết quả bước đầu để tạo đà tiếp tục triển khai quyết định quan trọng trên.
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), kết quả triển khai tại các địa phương không đồng đều, số lượng người dân được hưởng lợi từ chương trình thí điểm BHNN của nhà nước còn ít, chưa xứng với tiềm năng.
Nhận định về những khó khăn tồn tại, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, cho rằng, BHNN là cơ chế mới, phức tạp, chưa có tiền lệ nên cơ chế chính sách ban hành chưa thực sự hoàn chỉnh, trong quá trình thực tiễn phải tiếp tục bổ sung, sửa đổi. Việc triển khai BHNN phải tái bảo hiểm ra nước ngoài, trong khi đó nhà tái bảo hiểm lại khống chế điều khoản bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, vì vậy công tác bảo hiểm cũng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, phạm vi đối tượng, địa bàn BHNN là khá rộng, mặt khác do tính chất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là sản xuất nhỏ, manh mún; giá nông sản như giá lúa, giá thịt gia súc, tôm cá giảm trong khi đó giá thức ăn gia súc tăng cao nên sản xuất nông nghiệp còn khó khăn, ảnh hưởng đến sự tham gia của hộ dân...
Vừa làm, vừa học
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, mặc dù các Bộ, ngành đã có sự vào cuộc nhưng sau gần 2 năm triển khai thí điểm cho thấy BHNN còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, các DN tham gia BHNN và nông dân vẫn thận trọng “nhìn trước ngó sau” vì họ chưa thấy được lợi ích từ bảo hiểm này.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, về phía DN bảo hiểm, hiện vẫn tiếp tục thực hiện thận trọng theo chủ trương “vừa làm vừa học”. “Trong năm 2013, Bộ sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với người tham gia bảo hiểm trên các mặt. Trong đó, thực hiện điều kiện, điều khoản bảo hiểm nhằm đề phòng, hạn chế tổn thất; phòng, chống trục lợi bảo hiểm. Đồng thời chỉ đạo các DN bảo hiểm trong việc xem xét bồi thường quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm theo đúng điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, phù hợp với quy định của pháp luật; tiếp tục hoàn thiện công tác mô hình tổ chức Ban chỉ đạo, trong đó tập trung công tác đề phòng, hạn chế tổn thất; phòng chống trục lợi bảo hiểm”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện BHNN cần quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, phải đảm bảo an toàn, làm đến đâu chắc chắn đến đó vì BHNN là một chính sách mới và có liên quan đến lợi ích của người dân. Cùng với việc khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, cần quản lý giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng chính sách, giải quyết bồi thường đúng chế độ quy định đảm bảo lợi ích người dân, quản lý chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước cũng như kinh phí của doanh nghiệp bảo hiểm.
“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo DN bảo hiểm tích cực triển khai BHNN, hình thành hệ thống mạng lưới đại lý, cộng tác viên, tổ chức khai thác hợp đồng bảo hiểm chặt chẽ, an toàn. Đồng thời, sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện thí điểm BHNN tại các địa phương”, ông Hà cho hay.
Để BHNN đến được với nông dân, DN có thể làm thay Nhà nước trong việc hỗ trợ phí bảo hiểm. Ở Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, hiện chủ đàn bò đóng 600.000 đồng tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng. Bò bị ngã phải thải loại được đền bù 10 triệu đồng, đủ để mua một con bê con thay thế. Tương tự, chính sách bảo hiểm giá sữa với một phần vốn đối ứng của Cty và người dân đóng góp 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá sẽ được trợ giá 60% số tiền. Đến nay, 100% các hộ nuôi bò ở Mộc Châu đều tham gia quỹ. Tổng quỹ bảo hiểm giá sữa và vật nuôi của DN hiện đã lên tới hơn 15 tỷ đồng và đã chi trả hàng tỷ đồng cho nhiều hộ nuôi bò sữa”, ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu.
Báo Nông nghiệp Việt Nam