Thịt lợn, gà, vịt được lấy mẫu đều nhiễm khuẩn: Tiếng chuông cảnh tỉnh
- Chủ nhật - 10/12/2017 06:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thông tin này được Viện Pasteur, TPHCM công bố trong Hội nghị khoa học diễn ra ngày 8/12 tại Viện. Theo đó, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8/2017, Viện tiến hành lấy 150 mẫu thịt tươi sống gồm 2 mẫu thịt vịt, 58 mẫu thịt gà và 90 mẫu thịt heo từ các chợ tại Bà Rịa – Vũng tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Bình Phước để kiểm nghiệm các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Kết quả cho thấy, toàn bộ 100% mẫu thịt gia súc, gia cầm (nói trên) đều bị nhiễm vi khuẩn E.coli vượt mức cho phép của Bộ Y tế. Đây là loại vi khuẩn có thể gây bệnh nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng máu, viêm màng não. Ngoài ra, E.coli còn có thể gây các bệnh đường ruột như viêm đại tràng xuất huyết dẫn đến tán huyết có khả năng gây suy thận.
Ngoài lấy các mẫu thịt gia súc, gia cầm Viện Pasteur cũng tiến hành lấy 147 mẫu thủy sản tươi sống (chem chép, hàu, nghêu, sò) kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy 94/147 mẫu có mức độ nhiễm E.coli nặng, tập trung ở các mẫu sò (sò huyết, sò lông, sò dương, sò sữa, sò dẹo).
Điều kiện giết mổ không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân chính nhiểm khuẩn Ecoli
Tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản nhiễm vi khuẩn E.coli đang trực tiếp gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Phân tích của Viện Pasteur cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhiễm vi khuẩn E.coli là do thủy sản sống trong môi trường bị ô nhiễm; điều kiện vệ sinh rất kém tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm và những nơi bày bán, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, nguồn nước bị nhiễm khuẩn cũng tạo ra sự vấy nhiễm trong các công đoạn cắt tiết, làm lông…
Khuẩn E.Coli chính là căn nguyên của khoảng 1/3 số trường hợp tiêu chảy. Việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn vì các triệu chứng lâm sàng không hề có đặc hiệu. E.Coli cũng thường có ở trong nguồn nước. Escherichia coli (thường được viết tắt là E. coli) hay cũng còn được gọi là vi khuẩn đại tràng là một trong những loài vi khuẩn chính sống ký sinh ở trong đường ruột của động vật máu nóng (bao gồm chim và cả những động vật có vú). Vi khuẩn này cũng rất cần thiết ở trong quá trình tiêu hóa thức ăn và cũng là thành phần của khuẩn lạc ruột.
Sự có mặt của E. coli ở trong nước ngầm chính là một chỉ thị thường gặp cho ô nhiễm phân. E. coli thuộc họ vi khuẩn Enterobacteriaceae và cũng thường được sử dụng để làm sinh vật mô hình dành cho các nghiên cứu về vi khuẩn. Thực ra thì, phần lớn các vi khuẩn E.coli đều không có ảnh hưởng gì đáng kể đến sức khỏe ngoại trừ một số có thể gây ra bệnh tiêu chảy và cũng tùy vào địa phương, độ tuổi người bệnh mà các vi khuẩn trên đây sẽ có những ảnh hưởng khác nhau.
Nguyên nhân dẫn đến nhiểm khuẩn E.Coli, trước hết cần phải khẳng định rằng đây là một bệnh truyền nhiễm bị lây truyền qua đường phân – tay – miệng. Chúng ta bị lây nhiễm E.coli từ phân qua các vật trung gian như là bàn tay, vật dụng đồ đạc, thức ăn, nước uống… và cũng được đưa vào cơ thể qua miệng. E.coli cũng có thể xâm nhập vào thịt gia cầm hay là thịt heo ở trong quá trình làm thịt nên nếu mà thịt bị nhiễm và không tiến hành nấu chín thì vi khuẩn hoàn toàn có thể sống sót và thịt vẫn hoàn toàn bị nhiễm khuẩn. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể nhiễm E.coli qua tắm sông nếu nước cũng bị nhiễm khuẩn hay nước chưa được khử trùng bằng chlorine.
Cần phải thường xuyên kiểm tra những lò mổ tự phát như thế này.
Người ngộ độc thấy đau bụng dữ dội, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, ít khi nôn mửa, thân nhiệt có thể hơi sốt. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, mỏi mệt, chân tay co quắp, đổ mồ hôi. Nhiều người bị nhiễm E.coli mà không có triệu chứng và cũng không mắc bệnh. Khi bệnh nhân bị nhiễm E.coli nghiêm trọng (tức có thể làm rối loạn máu và suy thận) thường có thêm các biểu hiện như da xanh, lạnh, yếu cơ, tiểu ít… Thời gian ủ bệnh của E.coli từ 2 - 20 giờ. Tùy từng trường hợp mà biểu hiện bệnh khác nhau nhưng phần lớn các trường hợp nhiễm E.coli thường tự hồi phục, điều trị chủ yếu bằng bù nước và điện giải.
Cách tốt nhất để có thể phòng bệnh chính là thực hiện việc ăn chín, uống sôi hoặc uống nước tiệt trùng, tiến hành vệ sinh môi trường sạch sẽ, rửa tay hàng ngày, đều đặn ngay sau khi đi vệ sinh, hoặc dùng nước máy đã qua xử lý để có thể nấu nước uống và nấu ăn. Với nơi chưa có nước sạch, thì tốt nhất chính là hứng nước mưa hoặc nếu phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì tốt nhất là phải lọc sạch và tiến hành khử khuẩn đúng phương pháp: Đun sôi, SODIS...
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều trường học có học sinh bị ngộ độc thực phẩm, khi đến các trung tâm y tế để cấp cứu, khám và điều trị đều được khẳng định đã nhiểm khuẩn Ecoli. Việc các em học sinh nhiễm khuẩn này đều xuất phát từ việc giết mổ gia súc, gia cầm tại những nơi không phải là những nơi giết mổ tập trung, hoặc trong quá trình giết mổ không đảm bảo được vệ sinh môi trường xung quanh khu vực giết mổ.
Việc vận chuyển thịt gia súc, gia cầm đã được giết mổ này cũng không được vận chuyển bằng những phương tiện chuyên dụng. Cách chế biến thực phẩm cũng không được bảo đảm vệ sinh nên dân đến hiện tượng ngộ độc thực phẩm.
Việc Viện Pasteur công bố thông tin lấy mẫu kiểm nghiệm tại 5 tỉnh thành phía nam này mà có đến 100% mẫu nhiểm khuẩn là một thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng không thể xem nhẹ, bởi lẽ việc nhiểm khuẩn thịt gia súc gia cầm này sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc đã diễn ra ở trong các nhà trường, các doanh nghiệp, khu công nghiệp có nhiều công nhân được phục vụ ăn trưa. Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh và người lao động, thậm chí nếu ngộ độc nặng sẽ dẫn đến tử vong.
Để ngăn chặn được việc này rất cần sự quan tâm, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và lực lượng được giao nhiệm vụ giám sát này.
Ngọc Thủy/kinhtenongthon.com.vn