Thoát nghèo nhờ mô hình đa canh
- Thứ năm - 21/09/2017 23:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
|
Chủ tịch UBND xã Trung Tú Quách Văn Mạng cho biết, hơn mười năm trước, Trung Tú là vùng quê nghèo thuần nông, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2006, sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển sang sản xuất đa canh, triển khai mô hình trang trại vừa nuôi cá, thả vịt kết hợp trồng lúa, rau và cây ăn quả. Trước đây, hồi còn cấy lúa, nếu được mùa thì mỗi năm người dân chỉ lãi được một triệu đồng/sào, nay chuyển sang mô hình đa canh, trung bình mỗi năm thu lãi 12 triệu đồng/sào, có những hộ thu được 16 triệu đồng/sào. Để giúp nhau phát triển kinh tế, năm 2006, các cựu chiến binh (CCB) của địa phương đã thành lập Câu lạc bộ sản xuất đa canh xã Trung Tú. Các thành viên câu lạc bộ tự nguyện nhận những phần đất xấu nhất của xã trong đợt dồn điền, đổi thửa để sản xuất. Từ 25 hội viên ban đầu, đến nay, Câu lạc bộ đã có 85 hội viên, sản xuất gần 120 mẫu ruộng... Khu đất xấu trên cánh đồng "chiêm khê mùa thối" năm xưa nay đã trở thành những trang trại kinh tế điển hình, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Một trong những người đi tiên phong nhận ruộng xấu của xã để chuyển đổi sang sản xuất đa canh đạt kết quả cao là CCB Nguyễn Mạnh Hà. Với 1,2 mẫu ruộng, trong đó có tám sào mặt nước, ông Hà chia làm ba ao thả cá trắm cỏ và cá giống bán cho các hộ trong vùng; bốn sào còn lại thì một vụ trồng lúa, một vụ nuôi vịt. Chung quanh ao trồng cây ăn quả và các loại rau màu. Mỗi vụ ông Hà thu về hàng trăm triệu đồng. "Năm 2008, khi mới chuyển sang sản xuất đa canh, do chưa có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, lại gặp trận mưa úng kéo dài, cả cánh đồng chìm trong biển nước, chúng tôi đã bị trắng tay. Sau thất bại đó, tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư, chăm chỉ học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thì mới đạt hiệu quả”, CCB Nguyễn Mạnh Hà tâm sự. Ông Đinh Văn Tiến là một tấm gương điển hình trong xây dựng thành công mô hình đa canh trên địa bàn xã. Sau gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 2010 khi trở về quê hương, ông Tiến cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế trang trại đa canh và giúp đỡ nhiều hội viên khác phát triển kinh tế. Với tám sào ruộng, ông Tiến quy hoạch thành hai ao nuôi cá, trên bờ trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm. Đến nay, mô hình đa canh của ông Tiến đã phát triển ổn định, mỗi năm thu hoạch hai lứa cá. Từ năm 2015 đến nay, ông nuôi thêm cá nheo, trừ các loại chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Để hỗ trợ hội viên có thêm kiến thức về sản xuất đa canh, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn hạn, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm hay ở các địa phương khác. Mô hình sản xuất đa canh của Trung Tú đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn xã, nâng cao thu nhập cho người dân, tuy nhiên, việc triển khai vẫn diễn ra theo kiểu tự phát, manh mún. Do chưa hình thành được các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cho nên người dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc xử lý môi trường trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, việc áp dụng công nghệ trong xử lý môi trường trên cánh đồng đa canh còn nhiều hạn chế, chưa chủ động được nguồn nước sạch, cho nên vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Đáng chú ý, giao thông nội đồng và hệ thống tưới tiêu, cung cấp nước cho các cánh đồng đa canh vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Lãnh đạo UBND xã cho biết: Từ năm 2009, xã Trung Tú và xã Đồng Tân được thành phố phê duyệt dự án nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 200 ha, kinh phí 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn, cho nên đến nay mới đầu tư được hạng mục đường bao chung quanh, đường dẫn nước vào và hệ thống điện, còn hạng mục trạm bơm vẫn đang trong giai đoạn thi công, khiến cho việc lấy nước của người dân khó khăn. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các hộ dân được vay vốn ưu đãi mở rộng diện tích sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Theo nhandan.com.vn |