Thời gian ủ bệnh ngắn, diễn biến nhanh

Thời gian ủ bệnh ngắn, diễn biến nhanh
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, vừa qua đã có một trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Tính đến nay, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có gần 50 ca mắc bệnh liên cầu lợn nhập viện điều trị. Điều đáng lưu ý là hầu hết các bệnh nhân đều ở trong tình trạng diễn biến nặng, đối mặt với nguy cơ tử vong.

 

Bệnh nhân đã tử vong tên Hoàng Minh T., 51 tuổi, thường trú tại quận Tây Hồ (TP. Hà Nội). Ngày 5/9, khi mới mắc bệnh, bệnh nhân đã được gia đình đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện 354 với các biểu hiện sốt cao, rét run, nôn và xuất huyết dưới da ở ngực, tay và 2 chân. Do bệnh không tiến triển khá hơn nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, Sau khi được chuyển vào Khoa Cấp cứu ngày 6/9, trên cơ thể của bệnh nhân xuất hiện thêm các mảng xuất huyết ở tứ chi và toàn thân, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê, chấm xuất huyết toàn thân. Ngày 8/9 bệnh nhân có diễn biến quá nặng gia đình đã xin về và bệnh nhân tử vong ngay ngày hôm sau. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn huyết do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Trước đó bệnh nhân có ăn tiết canh lợn.
 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.Ảnh:Thanh Hằng

 

Theo các bác sĩ, vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa... của lợn, và có thể lây sang người qua vết thương ở da, đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ thịt lợn thiếu an toàn. Do đó, khi ăn các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, nem... rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Ở Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn.

 

Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh bằng cách: không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ.

 

Điều đặc biệt lưu ý, đối với người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn là thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Bệnh sẽ diễn biến nặng rất nhanh. Do đó, khi thấy có biểu hiện sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, có thể khó thở,... người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.

 

Thu Vân

  Theo vov.vn