Thứ trưởng Phạm Minh Huân: "Tăng lương khoảng hơn 10% là hợp lý"

Kết thúc ngày làm việc của Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 5/8, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đã có cuộc trao đổi với phóng viên để lý giải vì sao hội đồng vẫn chưa có được phương án tăng lương tối thiểu năm 2016 cuối cùng.
Ảnh minh họa (TTXVN)

- Tại cuộc họp hôm nay, đại diện của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra mức đề xuất tăng lương như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Có thể nói, có một khoảng cách rất xa trong phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động. 

Phía đại diện của người sử dụng lao động đưa ra phương án tăng 7,2%, mức tăng tuyệt đối là khoảng 250.000 đồng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra phương án tăng từ 350.000-550.000 đồng.

Sau khi phân tích, các phương án có sự điều chỉnh giữa các bên. Phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam rút xuống một chút. Phía các tổ chức của người sử dụng lao động nâng lên một chút và muốn mức tăng chung quanh phương án khoảng 10%. Nhưng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn cho rằng phương án này thấp và không đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Phía người sử dụng lao động quyết định dừng lại.

- Thưa ông, cụ thể phía VCCI đã nhượng bộ và đã đẩy mức tăng hơn so với sáng nay là bao nhiêu phần trăm?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Phương án được VCCI điều chỉnh tăng từ 7,2% lên 10%, nhưng phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng phương án đó thấp nên không đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như không bảo đảm mức tăng của năm 2014 bàn về mức lương tối thiểu cho năm 2015. Cho nên, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị phương án cao hơn. 

Tuy nhiên, phía người sử dụng lao động đề nghị giữ phương án đó, nếu không thì dừng lại. Chính vì vậy, tôi đã quyết định dừng cuộc họp hôm nay. Hội đồng sẽ tiếp tục họp một phiên khác nhưng chưa biết phiên sau có thể tìm được tiếng nói chung để dung hòa giữa các bên.

- Vậy kết quả thương lượng ngày hôm nay của Hội đồng Tiền lương Quốc gia như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Theo chương trình của Hội đồng tiền lương quốc gia, ngày 5/8, hội đồng họp thương lượng chọn phương án để bàn phương án điều chỉnh lương tối thiểu, để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù suốt một ngày họp tranh luận các phương án, nhưng hội đồng không có được sự thống nhất của các bên. Hội đồng phải dừng phiên họp và sẽ tổ chức một cuộc họp khác.

Dự kiến khoảng nửa tháng nữa mới họp được để có thời gian bộ phận kỹ thuật cũng như các bên phải xem lại, tính toán các yếu tố, các căn cứ để xác định các phương án cũng như tác động của lương tối thiểu, cũng như đóng bảo hiểm xã hội của năm 2016 thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mới được thông qua.

Mặc dù là Chủ tịch Hội đồng, tôi đã cố gắng điều hành cho các bên có phương án gần hơn với nhau để bỏ phiếu nhưng cuối cùng, sau khi đại diện người sử dụng lao động hội ý và quyết định đề nghị hội đồng có một phiên họp khác. 

- Xin ông cho biết quan điểm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về điều chỉnh mức lương tối thiểu hôm nay như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Chúng tôi phân tích tất cả phương án. Phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra các phương án phân tích hợp lý. Nhưng phía người sử dụng lao động cũng gặp nhiều áp lực trong bối cảnh cạnh tranh, các chi phí đầu vào tăng lên. Đặc biệt, ngoài lương tối thiểu, các chính sách bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/1/2016 có thay đổi làm áp lực tăng chi phí của doanh nghiệp, khả năng của doanh nghiệp khó chịu đựng. 

Chúng tôi cho rằng, dừng cuộc họp Hội đồng tiền lương quốc gia là phù hợp. Nếu hôm nay, chúng ta đưa ra một quyết định, một con số kiến nghị trình lên Thủ tướng Chính phủ mà không chấp nhận được giữa các bên, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến sau này. Việc dừng lại để tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá, hy vọng lần sau sẽ tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên, theo quy chế, trong trường hợp bỏ phiếu nhiều lần không chọn được, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ quyết định phương án cuối cùng. 

Có thể trong nửa tháng nữa, các bên sẽ có phương án mới. Tôi nghĩ, phương án khoảng hơn 10% một chút là hợp lý. Nhưng điều mà các cơ quan quản lý Nhà nước lo lắng nhất là từ ngày 1/1/2016, chính sách bảo hiểm xã hội của chúng ta sẽ từng bước tiến đến đóng chung trên tổng thu nhập. Điều này tác động rất lớn đến chi phí của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Theo TTXVN