Thủ tướng: Tránh để gạo ngoại nằm đầy kệ ở Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” sáng nay (15.3) tổ chức tại TP. Long Xuyên, An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành lúa gạo phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, cải thiện chất lượng, để từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào.

thu tuong: tranh de gao ngoai nam day ke o viet nam hinh anh 1

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với doanh nghiệp lúa gạo ĐBSCL. Ảnh Huỳnh Xây

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần có nhiều đổi mới và có cách phục vụ tốt cho thị trường trong nước trong thời gian tới, tức là chú trọng vào thị trường tiêu thụ nội địa, tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều năm qua, gạo Việt Nam đã xuất đi đến hàng trăm nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ đó góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an ninh lương thực của cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả trồng lúa rất thấp, lãi cao nhất chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha/năm. “Người dân bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi” – Thủ tướng nhận định.

Từ đó, Thủ tướng cho rằng, ngành lúa gạo nước ta sử dụng nhiều lao động, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước nhiều nên chi phí cao, khó cạnh tranh với lúa gạo nước khác về giá, chất lượng. Vì vậy, thời gian qua, nhiều loại lúa gạo của nhiều nước dễ đưa vào Việt Nam bày bán.

 thu tuong: tranh de gao ngoai nam day ke o viet nam hinh anh 2

Bốc dỡ gạo xuất khẩu

Thủ tướng cho rằng, năm 2017 và những năm tới đây, ngành lúa gạo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nên đòi hỏi phải sớm tái cơ cấu và cần tầm nhìn mới đi kèm với những hoạch định chiến lược, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới. 

“Tôi đề nghị các địa phương và các bộ, ngành có liên quan phải triển khai các giải pháp đột phá. Thay đổi quy mô trong sản xuất lúa bằng cách mở rộng hạn điền, tổ chức mô hình HTX kiểu mới, có cơ giới hoá nông nghiệp. Xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng Việt Nam và sửa nhiều nghị định chưa phù hợp trong tình hình mới” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo các báo cáo tại hội nghị, ước tính 2 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu 787.235 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về trị giá so với cùng kỳ. Bên cạnh kết quả đạt được, hạn chế của ngành lúa gạo được xác định là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%.

Nhiều đại biểu cho biết, năm 2017 sẽ đặt ra nhiều thử thách đối với ngành lúa gạo Việt Nam do thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, diễn biến ngày càng phức tạp và khó đoán định. Ngoài tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng tới tự chủ về lương thực, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia  đã thay đổi chính sách và phương thức nhập khẩu, xây dựng hàng rào kỹ thuật và tăng cường kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Tác giả bài viết: Huỳnh Xây - Danviet.vn