Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và phát triển bền vững

Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và phát triển bền vững
Ngày 5/7/2011, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS ban hành Quy phạm thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam gọi tắt là VietGAP. Trong quy phạm này đã đưa ra được các nội dung kiểm soát và chuẩn mực tuân thủ khá rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể, tạo cơ sở pháp lý, khoa học để người nuôi áp dụng trong thực tiễn và thuận lợi cho cơ quan chức năng Nhà nước quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện…

 

Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và phát triển bền vững

Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và phát triển bền vững

Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản phát triển, sản lượng thủy sản liên tục tăng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước những áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt của cơ chế thị trường, một phần do chạy theo lợi nhuận, một phần nhận thức của người nuôi chưa đầy đủ, do đó đã lạm dụng nhiều loại thuốc, hóa chất… làm ảnh hưởng tiêu cực đến thủy sản nuôi như khả năng đề kháng dịch bệnh, khả năng hấp thụ thức ăn của tôm, cá nuôi… làm giảm tốc độ tăng trưởng. Mặt khác, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, quá trình đô thị hóa ngày càng tăng làm cho môi trường nuôi thủy sản có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Nguồn nước, không khí và hệ sinh thái bị ô nhiễm, làm cho hệ động thực vật ngày càng trở nên nghèo nàn hơn, đây cũng là lúc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức; luôn phải đối mặt với dịch bệnh, mối nguy ô nhiễm sinh học, hóa học trong thực phẩm là rất lớn. Bên cạnh đó, với lối sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống, manh mún nhỏ lẻ; đầu tư cho hạ tầng cơ sở vật chất, khoa học - kỹ thuật và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Trong khi sự đòi hỏi khắt khe của thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu khó tính như Nhật, Mỹ, Liên minh Châu Âu EU… yêu cầu thực phẩm thủy sản đưa ra thị trường phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
 
Trước những khó khăn thách thức và những yêu cầu thực tiễn đặt ra, áp dụng VietGAP là giải pháp và hướng đi tất yếu. Ngày 5/7/2011, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS ban hành Quy phạm thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam gọi tắt là VietGAP (dịch sang tiếng Anh là Vietnamese Good Aquaculture Practices). Nội dung quy phạm gồm 4 phần, cụ thể gồm: Các yêu cầu chung; Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; Quản lý sức khỏe động vật thủy sản; Bảo vệ môi trường và các khía cạnh kinh tế - xã hội. Trong Quy phạm thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam đã đưa ra được các nội dung kiểm soát và chuẩn mực tuân thủ khá rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể, tạo cơ sở pháp lý, khoa học để người nuôi áp dụng trong thực tiễn và thuận lợi cho cơ quan chức năng Nhà nước quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện. Về yêu cầu chung, những nguyên tắc về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý sức khỏe động vật thủy sản và bảo vệ môi trường, quy phạm này nêu rõ:
 
1. Yêu cầu chung:
 
a. Yêu cầu về khung pháp lý: Người nuôi phải có các giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất; có báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải đăng ký hoạt động sản xuất với cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định. Phải có hồ sơ về tọa độ địa lý và sơ đồ vị trí từng ao nuôi. Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản và được tham chiếu theo tọa độ VN2000 hoặc có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về khu vực nuôi đó là hợp pháp hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
 
b. Hồ sơ ghi chép: Hồ sơ ghi chép phải đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất đến khi thu hoạch tại tất cả các ao nuôi và các hoạt động khác liên quan của cơ sở nuôi bao gồm: Hồ sơ mua hàng bao gồm hợp đồng, hóa đơn mua hàng, ghi chú về từng sản phẩm nhập vào và biên bản kiểm tra hàng nhập; Hồ sơ lưu kho các vật tư liên quan đến hoạt động sản xuất và lưu kho hàng năm; Hồ sơ sản xuất từ khâu cải tạo ao nuôi đến khâu thu hoạch (bao gồm nhật ký từng ao nuôi). Hồ sơ này phải đảm bảo cung cấp đủ thông tin mà VietGAP yêu cầu.
 
c. Truy xuất nguồn gốc: Trong trường hợp cơ sở nuôi chỉ xin đăng ký cấp chứng nhận VietGAP cho một phần của sản phẩm thì phải có hệ thống phân biệt chứng minh được các sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP và không được chứng nhận VietGAP; Việc di chuyển động vật thủy sản nuôi bên trong cơ sở nuôi, từ ngoài vào hoặc từ trong ra phải lưu vào hồ sơ và truy xuất được.
 
2. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm: Nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định của Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 
3. Quản lý sức khỏe động vật thủy sản: Nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo sức khỏe và điều kiện sống cho động vật thủy sản nuôi bằng cách tạo điều kiện tối ưu về sức khỏe, giảm stress, hạn chế các rủi ro về dịch bệnh và duy trì môi trường nuôi tốt ở tất cả các khâu của chu trình sản xuất.
 
4. Bảo vệ môi trường: Hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được thực hiện một cách có kế hoạch và có trách nhiệm đối với môi trường, theo các quy định của Nhà nước và các cam kết quốc tế. Phải có đánh giá các tác động đối với môi trường của việc lập kế hoạch, phát triển và thực hiện nuôi trồng thủy sản.
 
VietGAP đang là kỳ vọng của nuôi trồng thủy sản Việt Nam, được xây dựng hài hòa và từng bước phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để áp dụng VietGAP thành công, cần có sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình, tự nguyện của người dân trực tiếp tham gia nuôi trồng trong vùng áp dụng VietGAP, sự quan tâm tạo điều kiện từ phía các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp. Có khung pháp lý và chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ về hệ thống thủy lợi, kênh mương cấp thoát nước, hệ thống ao hồ nuôi, lắng lọc, xử lý chất thải; hệ thống quan trắc, dự báo môi trường, diễn biến tình hình dịch bệnh... Xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên có trình độ, năng lực, giàu kinh nghiệm thực tế. Thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn trong VietGAP nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động nuôi thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững, giải quyết từng bước và tiến tới triệt để các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các tác động môi trường và xã hội của hoạt động nuôi trồng thủy sản trên cả nước.
 

Nguồn: baophuyen.com.vn